* Đo lường là gì ?
Đo lường là cách thức sử dụng các con số để diễn tả các hiện tượng khoa học mà chúng ta cần nghiên cứu.
Đo lường là quá trình trong đó “một khái niệm nghiên cứu được kết nối với một hay nhiều biến tiềm ẩn và các biến tiềm ẩn này được kết nối (đo lường) với các biến quan sát.
* Quy tắc đo lường
Để thuận lợi cho việc xử lý dữ liệu trên máy tính, người ta thường mã hóa việc đo lường và thang đo bằng các con số hoặc bằng các ký tự được sử dụng để biểu thị các mức độ của khái niệm nghiên cứu theo những quy tắc đã xác định.
Người ta dùng nhiều cấp độ thang đo khác nhau, đó là tập hợp các biến quan sát có những thuộc tính qui định để cùng đo lường một khái niệm nào đó.
Có những khái niệm chính nó có dạng số lượng. Tuy nhiên, rất nhiều khái niệm trong kinh doanh mà tự thân nó không ở dạng định lượng. Do vậy, để đo lượng chúng, nhà nghiên cứu phải lượng hóa.
Ba tính chất quan trọng của một thang đo là:
+ Hướng , nghĩa là thang đo đơn hướng hay đa hướng.
+ Độ tin cậy.
+ Giá trị thang đo bao gồm (giá trị nội dung, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, giá trị liên hệ lý thuyết, giá trị tiêu chuẩn).
Trong nghiên cứu khoa học, thang đo được chia thành bốn cấp độ thang đo chính. Đó là:
• Thang đo danh xưng (nominal scale): dùng phân loại đối tượng nghiên cứu.
• Thang đo thứ tự (ordinal scale): phân hạng các trả lời của đối tượng nghiên cứu về một cấu trúc/item nghiên cứu.
• Thang đo khoảng cách (interval scale): có đầy đủ tính chất của hai loại thang đo nêu trên, nhưng các khoảng cách ở mỗi nhóm sẽ bằng nhau.
• Thang đo tỷ lệ (ratio scale): đo lường bằng các con số tự nhiên.
Cấp của thang đo dùng để biểu diễn độ mạnh của nó, nghĩa là thang đo cấp cao luôn có những thuộc tính của thang đo cấp thấp hơn nhưng ngược lại không đúng. Như vậy, thang đo danh xưng là thang đo ở cấp thấp nhất, tiếp theo là thứ tự, khoảng cách và tỷ lệ.
Chúng ta có thể chuyển đổi số đo (đã đo rồi) của thang đo cấp cao sang số đo của thang đo cấp thấp hơn, nhưng không thể chuyển số đo của thang đo cấp thấp thành số đo của thang đo cấp cao.
* Các mức độ đo lường
Về mặt đo lường, khái niệm nghiên cứu có thể chia thành hai dạng chính; khái niệm đơn hướng hay bậc nhất và khái niệm đa hướng hay bậc cao.
– Khái niệm bậc nhất
Khái niệm bậc nhất là khái niệm có thể dùng một tập biến quan sát (thang đo) để đo lường chúng, nên nó còn có khái niệm đơn hướng.
Ví dụ:
Kỳ vọng cơ hội WTO. Khái niệm này được xây dựng là một khái niệm bậc nhất và được đo lường bằng ba biến quan sát X1, X2, X3.
X1: Việt Nam gia nhập WTO giúp công ty chúng tôi tìm được nhiều thị trường mới.
X2 : Việt Nam gia nhập WTO giúp công ty chúng tôi tìm được nhiều đối tác kinh doanh mới.
X3: Nhìn chung Việt Nam gia nhập WTO sẽ giúp cho việc kinh doanh của công ty chúng tôi thuận lợi hơn.
Biến tiềm ẩn Biến quan sát
– Khái niệm bậc cao
Khái niệm bậc cao là khái niệm bao gồm nhiều thành phần. Mỗi thành phần được đo lường bằng một tập biến quan sát (thang đo).
Ví dụ:
Định hướng thị trường bao gồm ba thành phần: Hướng về khách hàng, Hướng về đối thủ cạnh tranh và Phối hợp chức năng.
Để đo lường khái niệm này, chúng ta phải đo lường ba thành phần của nó, chúng ta phải đo lường các khái niệm con (thành phần của nó): Hướng về khách hàng, Hướng về đối thủ cạnh tranh và Phối hợp chức năng.