Bài 8 Cách mạng tháng tám 1945 và sự thành lập của nước việt nam dân chủ cộng hòa – Ôn thi Đại học Lịch sử

1 – Cao trào kháng Nhật cứu nước (Khởi nghĩa từng phần từ tháng 3 đến giữa tháng 8/1945)

1.1. Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) – thời cơ cách mạng đến gần

Đầu năm 1945, chủ nghĩa phát xít liên tục thất bại nặng nề:

+ Ở Châu Âu: Đức bị đánh bật khỏi Liên Xô, đồng thời liên quân Anh – Mĩ đổ bộ vào giải phóng nước Pháp, sau đó các nước Trung và Đông Âu cũng được giải phóng.

+ Ở mặt trận Thái Bình Dương: Phát xít Nhật cũng bị liên quân Anh – Mĩ tấn công dồn dập.

+ Thực dân Pháp ở Đông Dương ráo riết chuẩn bị cho việc hất cẳng Nhật khi quân Đồng Minh tấn công vào Đông Dương.

Nhật biết rõ ý đồ của Pháp nên đã hành động trước: Đêm 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương => Thực dân Pháp nhanh chóng tan rã và đầu hàng.

Sau khi hất cẳng Pháp, Nhật tuyên bố “trao trả độc lập cho các dân tộc Đông Dương” và đưa lực lượng thân Nhật ra lập nên chính phủ bù nhìn ở Việt Nam do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng và Bảo Đại làm Quốc trưởng.

Nhưng trên thực tế, Nhật lại tiến hành nhiều hành động trái ngược:

+ Đưa người Nhật thay thế các vị trí của người Pháp trong bộ máy chính quyền thực dân để thống trị và bóc lột dân ta.

+ Tiếp tục vơ vét, bóc lột nhân làm cho nhân dân ta đói khổ.

+ Tiến hành hàng loạt các hoạt động đàn áp lực lượng cách mạng và nhân dân.

1.2. Cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám

1.2.1. Đảng ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để điều chỉnh chiến lược

Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và ra chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Chỉ thị đã xác định:

Kẻ thù trước mắt và duy nhất của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật.

Thay khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật – Pháp” bằng “Đánh đuổi phát xít Nhật”.

Đưa ra khẩu hiệu “Thành lập chính quyền cách mạng” để chống lại chính quyền bù nhìn thân Nhật.

Hình thức đầu tranh: biểu tình thị uy, vũ trang du kích và sẵn sàng chuyển sang hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện.

Hội nghị quyết định phát động cao trào “Kháng Nhật cứu nước”, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

1.2.2. Khởi nghĩa từng phần, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa

Ở căn cứ Cao – Bắc – Lạng, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã lãnh đạo quần chúng giải phóng hàng loạt các xã, châu, huyện…

Ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang…vùng giải phóng tiếp tục được mở rộng.

Năm 1945, nạn đói đang hoành hành làm 2 triệu người miền Bắc chết, trong khi các kho thóc của Nhật thì đầy ắp. Đảng đã kịp thời phát động phong trào đánh chiếm kho thóc của Nhật để cứu đói.

Ở Quảng Ngãi, các đồng chí tù chính trị ở nhà lao Ba Tơ nổi dậy chiếm đồn giặc và lập ra đội du kích Ba Tơ.

Ngày 15/4/1945, Hội nghị quân sự Bắc kỳ họp và quyết định:

+ Thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân.

+ Thành lập Ủy Ban quân sự Bắc kỳ.

Ngày 15/5/1945, Việt Nam giải phóng quân ra đời.

Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam và Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp.

Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, Tân Trào được chọn làm “thủ đô” của Khu giải phóng, đồng thời thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh.

Như vậy, đến trước tháng 8/1945, lực lượng cách mạng Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo và đang từng bước khởi nghĩa, sẵn sàng cho một cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ xuất hiện.

READ:  Hãy nêu các xu thế phát triển của thế giới ngày nay? - Lịch sử lớp 9

Tham khảo: Bộ câu hỏi trắc nghiệm lịch sử lớp 12

2 – Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

2.1. Nhật đầu hàng quân Đồng Minh – thời cơ cách mạng xuất hiện

Ở Châu Âu, ngày 8/5/1945, Đức đầu hàng quân Đồng Minh không điều kiện.

Ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt đạo quân Quan Đông của Nhật tại Trung Quốc. Đến trưa 15/8/1945, Nhật chính thức đầu hàng quân Đồng Minh không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương và chính quyền Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Kẻ thù của dân tộc Việt Nam đã gục ngã, thời cơ giành chính quyền đã xuất hiện.

Trước đó, lực lượng Đồng Minh đã có sự phân công quân đội vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. Chính vì vậy, thời cơ giành chính quyền bị giới hạn từ khi Nhật đầu hàng đến trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.

2.2. Đảng đã nắm bắt thời cơ và phát động tổng khởi nghĩa

Trước tình hình phát xít Nhật liên tục bị thất bại, ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp ở Tân Trào – Tuyên Quang (từ 13/8 đến 15/8/1945). Ngay khi nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Hội nghị quyết định:

+ Phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào.

+ Thành lập Ủy Ban kháng chiến toàn quốc và ra Quân lệnh số 1.

Từ ngày 16 đến 17/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã quyết định:

+ Tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng.

+ Thông qua 10 chính sách của Việt Minh.

+ Lập Ủy Ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch(Sau này là Chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).

+ Lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kì, bài hát Tiến quân ca làm quốc ca.

Sau đó, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy giành chính quyền.

Chiều ngày 16/8/1945, theo lệnh của Ủy Ban khởi nghĩa, Võ Nguyên Giáp chỉ huy một đội quân tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

2.3. Giành chính quyền trong cả nước

Từ ngày 14/8/1945 đến ngày 18/8/1945, 4 tỉnh đầu tiên giành được độc lập là: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tỉnh, Quảng Nam.

Từ tối 15/8/1945 đến ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đã giành được chính quyền.

Ngày 23/8/1945, Huế được giải phóng. Đến 30/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị.

Ngày 25/8/1945, Sài Gòn được giải phóng.

Đến ngày 28/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công hoàn toàn trong cả nước (trừ một số thị xã: Móng Cái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… đang bị lực lượng của Tưởng Giới Thạch chiếm đóng).

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

3 – Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

3.1. Nguyên nhân thắng lợi

* Khách quan: Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh đánh bại chủ nghĩa phát xít mà trực tiếp là phát xít Nhật đã tạo ra một thời cơ thuận lợi để nhân dân ta đứng lên giành chính quyền.

* Chủ quan: Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước sâu sắc. Vì vậy, khi Đảng đứng ra kêu gọi và lãnh đạo kháng chiến chống giặc thì mọi người đã hăng hái hưởng ứng, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù.

Do sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Bác Hồ:

READ:  Căn cứ vào đâu để nói: Cao trào cách mạng 1930-1931 và Cao trào cách mạng 1936-1939 là những đợt tổng diễn tập của cách mạng tháng Tám năm 1945?

Động viên, giác ngộ và tổ chức được các tầng lớp nhân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong một mặt trận dân tộc thống nhất.

Kết hợp tài tình giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh du kích với khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, tiến lên Tổng khởi nghĩa.

Nắm bắt thời cơ kịp thời, từ đó đưa ra được những chỉ đạo chiến lược đúng đắn.

3.2. Ý nghĩa lịch sử

* Đối với dân tộc

Cách mạng tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp – Nhật và lật nhào chế độ phong kiến.

Đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ nước nhà, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền.

Mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

* Đối với quốc tế

Là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của dân tộc nhược tiểu trên con đường đấu tranh tự giải phóng mình khỏi ách đế quốc – thực dân.

Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới.

3.3. Bài học kinh nghiệm

Cách mạng tháng Tám thành công đã để lại nhiều bài học quý báu:

Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp đúng đắn, sáng tạo nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, trong đó nhiệm vụ dân tộc được đặt  lên hàng đầu.

Đánh giá đúng vị trí của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, tập hợp và khai thác triệt để sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, cô lập và phân hoá cao độ kẻ thù để từng bước tiến lên đánh bại chúng.

Nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm cách mạng bạo lực và khởi nghĩa vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chuẩn bị lâu dài về lực lượng và kịp thời nắm bắt thời cơ, tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi hoàn toàn.

Câu hỏi và bài tập

  1. Trình bày nội dung và ý nghĩa của sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam của Đảng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939 – 1945). [Đề thi TS ĐHSP Hà Nội 2 – 2000].
  2. Trình bày khái quát cao trào kháng Nhật cứu nước từ tháng 3 đến tháng 8/ 1945. Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thành công như thế nào? [Đề thi TS DHDL Đông Đô 2000].
  3. Phân tích bài học thời cơ của Cách mạng tháng tám – 1945. [Đề thi TS ĐHVH H. Nội 1999].
  4. Nguyên nhân thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. [Đề TS ĐH Luật H.Nội 1999].
  5. Phân tích ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của cách mạng tháng Tám 1945. [Đề thi TS ĐHQG Hà Nội – 2000].
  6. Ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam [Đề thi tuyển sinh ĐH Công Đoàn năm 1999].