Cuộc đời và sự nghiệp tác giả nhà thơ Nguyễn Khuyến

Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễu Chi. Ông sinh ngày 15/02/1835 tại quê ngoại làng Văn Khế -xã Hoàng Xá – huyện Ý Yên -tỉnh Hà Nam Ninh nay là huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (Và), xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 5/2 /1909 tại Yên Đổ.

Xuất thân

Nguyen KhuyenCha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi, thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan, nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạc.

Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm 1864-1865) là bạn học ở trường Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một người thông minh, hiếu học. Năm 1864 ông đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội.

Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên tu chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám và đổi tên từ Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến, với hàm ý phải nỗ lực hơn nữa (chữ Thắng có chữ lực nhỏ, chữ Khuyến có chữ lực lớn hơn).

Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ .

Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.

Hoàn cảnh lịch sử

Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được.

READ:  Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến

Lúc này Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1885, họ tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã.

Có thể nói, sống giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn. Từ đó dẫn đến tâm trạng bất mãn, bế tắc của nhà thơ.

Tác phẩm

Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ,”Bạn đến chơi nhà”, và 3 bài thơ hay về thu: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.

Quế sơn thi tập khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng Chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Có bài Nguyễn Khuyến viết bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt, hoặc ông viết bằng chữ Việt rồi dịch sang chữ Hán. Cả hai loại đều khó để xác định vì chúng rất điêu luyện.

Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuỗm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công.

3 bài thơ thu

Mùa thu và thi nhân vốn có nhiều duyên nợ. Trước cảnh thu không ai cảm xúc sâu sắc bằng các nhà thơ, cho nên trong các bài thơ hay kim cổ, phải kể đến các bài vịnh về mùa thu. Từ xưa, một loạt 8 bài Thu hứng của Đỗ Phủ (712-770) đã được Kim Thánh Thán liệt vào số sáu tác phẩm tài tử hay nhất đời Đường.

READ:  Soạn bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến

Về sau, ở nước ta, trong các bài thơ nôm vịnh thu, phải kể đến ba bài Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh của Nguyễn Khuyến (1835), người làng Yên Đổ (Hà Nam), là những thi phẩm tuyệt tác hiện còn truyền tụng cho đến ngày nay.

Thu Điếu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Thu Ẩm

Năm gian nhà nhỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm khuya đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.

Thu Vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông chừng như khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra sợ thẹn với ông Đào!