1 – Giới thiệu về tác giả
Ngô Tất Tố sinh năm 1893 mất năm 1954 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái.
Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị
2 – Ngô Tất Tố là nhà báo
– Xuất thân là cựu nho có vốn Hán học phong phú nhưng ông không phải là người bảo thủ. Ông phản đối lối chạy theo phong trào phục cổ do thực dân Pháp đề xướng.
– Ông là người hiếu học luôn đọc sách tìm tòi, sáng tạo
– Ngô Tất Tố chịu ảnh hưởng sâu sắc phong trào ái quốc thời Ðề Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
– Lòng yêu nước của Ngô Tất Tố gắn liền với lòng yêu dân- những người nông dân lao động cần cù tốt bụng
– Ngô Tất Tố nhanh chóng đứng trên lập trường dân chủ tố cáo những áp bức của bọn thực dân phong kiến. Với tư cách là một nhà báo, Ngô Tất Tố hết sức tung hoành trên trường ngôn luận, lên án tội ác của thực dân phong kiến và những thủ đoạn sâu mọt của bọn cường hào quan lại.
3 – Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà phóng sự
– Phóng sự Việc làng gồm 17 chương: đây là một phóng sự về những hủ tục nặng nề ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng tám 1945. Phóng sự Việc làng mang nét đặc trưng của làng quê Ngô Tất Tố đó là nạn xôi thịt chức tước làm bao gia đình phải khánh gia bại sản, điêu đứng,chết chóc, tha thương cầu thực v.v…
– Nghệ thuật Việc làng có khuynh hướng gần với lối viết truyện ngắn. Lối kể chuyện của tác giả linh hoạt. Có khi tác giả đi từ khái quát đến cụ thể. Có khi tác giả đi từ một hiện tượng, một nguyên nhân và khái quát lên vấn đề. Do vậy mà người đọc không thấy đơn điệu.
4 – Ngô Tất Tố viết tiểu thuyết
– Tiểu thuyết Lều chõng: tác phẩm trình bày về chế độ khoa cử một cách tỉ mỉ.
– Tiểu thuyết Tắt đèn: Tác giả tập trung vào vấn đề thuế má, một tai họa khủng khiếp của nông thôn.
+ Trong Tắt đèn xuất hiện loại thuế thân cực kì dã man. Thuế đánh vào đầu người đàn ông từ 18 tuổi trở lên.
+ Nhân vật chị Dậu xuất hiện lo chạy thuế thân cho chồng và em chồng. Tính cách của chị xuất hiện.
5 – Nghệ thuật tiểu thuyết Tắt đèn
– Kết cấu tác phẩm: hợp lí chặt chẽ
– Khắc họa thành công nhân vật điển hình hóa: mỗi hành động của chị Dậu như chạy vạy, khóc lóc, kêu gào, chịu đựng và vùng lên mạnh mẽ, đều diễn ra tự nhiên phù hợp với sự phát triển tâm lí của nhân vật
– Nghệ thuật châm biếm thành công: cách húp canh, súc miệng của Nghị Quế, cách đi đứng của lão Chánh Tổng. Bộ râu hắc ín trên mép tên quan phủ Tư Ân v.v…
– Khả năng phân tích tâm lí nhân vật
– Văn viết của Ngô Tất Tố nói chung linh hoạt song vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều lối văn biền ngẫu: thằng bếp bưng cơm ra. Thằng nhỏ bê chậu nước vào (Tắt đèn-Ngô Tất Tố).
Tóm lại, Ngô Tất Tố là cây bút tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán 1930-1945. Ngô Tất Tố không chỉ là nhà viết tiểu thuyết, phóng sự ông còn là một nhà báo cự phách, một nhà khảo cứu dịch thuật có tài. Thành công của Ngô Tất Tố là thành công của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, của một nhà văn tự thấy phải hoạt động, phải xông pha, phải lăn lộn với dân chúng.