Đọc hiểu Đời thừa của Nam Cao

I – Gợi dẫn

1. Là một nhà văn lớn và tài năng của văn học Việt Nam, cuộc đời Nam Cao điển hình cho cuộc đời của những trí thức tiểu tư sản những năm trước Cách mạng tháng Tám. Vật lộn với gánh nặng cơm áo để giữ mình và rồi được đến với cách mạng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sáng tác của Nam Cao chủ yếu thể hiện tấn bi kịch của con người bị tha hoá. Ông chú ý đến hai đối tượng rất gần gũi với cuộc đời ông là người nông dân và người trí thức nghèo.

2. Tóm tắt tác phẩm : Hộ là một văn sĩ nghèo mang trong mình nhiều hoài bão ước mơ. Anh là người có lí tưởng sống rất cao đẹp. Là một nhà văn, anh đã từng ước mơ có những tác phẩm lớn, có giá trị vượt thời gian. Nhưng từ khi cứu vớt cuộc đời Từ, cưới Từ về làm vợ, anh phải lo cho cuộc sống của cả gia đình chỉ với những đồng tiền ít ỏi của nghề viết văn. Hộ đã rơi vào tình trạng khốn khổ. Tạm gác ước mơ hoài bão để nuôi gia đình, nhưng rồi nỗi lo cơm áo và những dằn vặt lương tâm của một nhà văn đã biến anh thành một người đàn ông vũ phu. Anh uống say rồi hành hạ, đánh đập vợ con, rồi lại ân hận. Hộ rơi vào cái vòng luẩn quẩn, không lối thoát.

3. Đời thừa thể hiện tấn bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản, nguyên nhân của tấn bi kịch ấy là gánh nặng cơm áo. Hộ đồng thời rơi vào hai tấn bi kịch : bi kịch của người nghệ sĩ phải đang tâm chà đạp lên nguyên tắc sáng tạo của nghệ thuật chân chính, bi kịch của người cha người chồng phải chà đạp lên nguyên tắc tình thương do chính mình đề ra.

Qua bi kịch của nhà văn Hộ, Nam Cao thể hiện một tư tưởng nhân văn đẹp đẽ : tố cáo hiện thực, lên án sự tha hoá, cảm thông với những con người bất hạnh và khẳng định những quan điểm nghệ thuật chân chính.

4. Đọc chậm, thể hiện những day dứt và diễn biến nội tâm của nhân vật Hộ.

II – Kiến thức cơ bản

Đời thừa là truyện ngắn tiêu biểu của Nam Cao viết về đề tài trí thức tiểu tư sản. Qua tác phẩm, nhà văn vừa phản ánh một cách sinh động, cụ thể hiện thực cuộc sống đương thời, vừa nêu lên những tư tưởng mang tính khái quát triết lí sâu sắc về nhân sinh.

Hộ vốn là một văn sĩ có niềm say mê văn chương, muốn sống có ích bằng văn chương. Nhưng vì miếng cơm manh áo và những lo lắng tủn mủn của cuộc sống đời thường mà anh không thực hiện được hoài bão lí tưởng của mình. Chính sự mâu thuẫn giữa lí tưởng và hiện thực cuộc sống đã làm nảy sinh tấn bi kịch tinh thần đau đớn ở Hộ. Bi kịch ấy thể hiện ngay trong nhan đề của tác phẩm. Đời thừa có nghĩa là sống vô ích, sống vô tích sự, không có ý nghĩa gì cho cuộc đời. Với cả hai tư cách người trí thức và người chồng, nhà văn Hộ đều rơi vào bi kịch “đời thừa”.

Là người trí thức, Hộ rơi vào bi kịch của con người có tài năng, có hoài bão, muốn sống có ích nhưng lại trở thành vô ích. Hoài bão của Hộ là hoài bão của một nhà văn chân chính. Anh là nhà văn yêu nghề, muốn cống hiến cả đời mình cho văn chương. Đối với Hộ, niềm say mê văn chương đã trở thành niềm say mê lí tưởng : “Đói rét không có nghĩa gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn”, với Hộ, “nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không có gì đáng quan tâm nữa”. Còn hơn cả niềm say mê văn chương, Hộ muốn sống có ích bằng văn chương. Anh muốn cống hiến cho xã hội những tác phẩm văn chương có giá trị. Khác hẳn với nhiều văn sĩ lãng mạn với quan điểm sáng tạo “nghệ thuật vị nghệ thuật”, nghệ thuật mà Hộ theo đuổi là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Với Hộ, tác phẩm có giá trị phải là “tác phẩm nói lên được nguyện vọng vừa đau đớn vừa mạnh mẽ, nó ca ngợi lòng yêu thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”. Hộ khát khao trở thành nhà văn lớn giật giải Nô-ben về văn học. Đây không phải là sự háo danh của một kẻ tầm thường mà là biểu hiện của một nhà văn yêu nghề muốn sống có ích, có ý nghĩa với đời. Thế nhưng, như Xuân Diệu đã nói :

Nỗi đời cơ cực giơ nanh vuốt

Cơm áo không đùa với khách thơ.

(Xuân Diệu)

Từ ngày cứu vớt Từ, có gia đình vợ con, bao nhiêu gánh nặng đổ lên vai chàng văn sĩ nghèo đầy khát vọng nghệ thuật song cũng đầy tình yêu thương đối với con người. Và Hộ phải lo toan miếng cơm manh áo, gánh nặng cơm áo hàng ngày đã không cho Hộ cơ hội thể hiện tài năng, thực hiện hoài bão. Thật đau đớn xót xa khi anh trở thành đời thừa với tất cả.

READ:  Soạn bài Nghệ thuật băm thịt gà

Với tư cách là một nghệ sĩ, Hộ một nhà văn chân chính. Anh đã có những quan điểm rất đúng đắn về nghề văn, nhà văn và về văn chương tác phẩm. Những dằn vặt và suy ngẫm của nhà văn về nghề văn, về lao động nghệ thuật cũng chính là những suy nghĩ vô cùng tốt đẹp của Nam Cao về nghề văn. Vì thế, những đoạn miêu tả tâm lí của nhà văn Hộ khi anh nghĩ và nói về nghề văn là những đoạn rất thành công của tác phẩm. Đó là những đoạn sử dụng lời văn nửa trực tiếp như : “Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn kí tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng […]. Khốn nạn ! Khốn nạn ! Khốn nạn thay cho hắn ! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn ! Hắn chính là một kẻ bất lương ! […] sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện […]. Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình”. Những suy nghĩ cay đắng của Hộ là tâm sự của nhiều nhà văn chân chính. Vì phải lo lắng miếng cơm manh áo, vì xã hội đối xử không công bằng với văn học nghệ thuật buộc họ phải làm điều họ không muốn. Hộ hiểu và nhận ra quá rõ sự bất lực của mình nên anh rơi vào tâm trạng bi kịch.

Là người nghệ sĩ có quan điểm nghệ thuật rất chân chính nhưng Hộ lại là đời thừa với xã hội vì những tác phẩm của anh đời không cần đến, những tác phẩm viết vội vàng cẩu thả nên chỉ gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn đạt vài ý thông thường, khuấy loãng trong thứ văn quá ư bằng phẳng. Những tác phẩm ấy chẳng mang đến điều gì mới lạ cho văn chương.

Hộ là đời thừa với gia đình vì anh chẳng những không giúp được gì cho gia đình. Anh những tưởng hi sinh nghệ thuật chân chính một vài năm để kiếm tiền nuôi vợ con và kiếm cho Từ một số vốn kha khá làm ăn nhưng rồi những tác phẩm rẻ tiền ấy không giúp anh nuôi nổi vợ con. Cuối cùng vợ con anh vẫn đói khổ nheo nhóc và anh trở thành vô tích sự với gia đình.

Hộ còn là đời thừa với chính bản thân mình. Anh chẳng những không thực hiện được hoài bão của bản thân mà còn để rơi cả tài năng nhân cách. Còn gì đau đớn hơn là một nhà văn mà ngay cái tên của mình cũng rơi vào sự thờ ơ quên lãng của người đọc ? Những bài báo viết vội vàng cẩu thả đã khiến người ta quên ngay sau khi đọc. Nhận thức được sự cẩu thả trong văn chương là điều đê tiện nhưng anh vẫn cứ phải làm và điều đó làm anh đau đớn. Tài năng, nhân cách của anh đã phải cúi đầu nhục nhã trước những cái tầm thường, vặt vãnh trong cuộc sống.

Hộ rơi vào bi kịch thứ hai không kém phần xót xa đau đớn, đó là bi kịch của con người vốn có nhân cách, muốn sống có tình thương nhưng cuối cùng lại chà đạp một cách thô bạo lên chính nguyên tắc thiêng liêng cao đẹp ấy. Chính anh đã dang tay cứu vớt cuộc đời Từ. Anh lo toan mọi công việc gia đình. Anh đã sẵn sàng gác lại những ước mơ nghệ thuật cao đẹp để sống có tình thương. Tình thương chính là tiêu chuẩn để phân biệt con người và dã thú. Hộ phản đối triết lí sống “phải biết ác để sống cho mạnh mẽ”, với anh, “kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ, kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”.

Thế nhưng Hộ vi phạm nguyên tắc mà anh theo đuổi. Với tư cách là một người đàn ông, người chồng, anh chà đạp lên nguyên tắc tình thương. Anh để mình ngày càng lún sâu vào con đường tha hoá. Anh tìm quên trong rượu chè, nhưng cơn say không giúp anh thoát khỏi sự bế tắc. Hộ đã không chỉ không thực hiện được trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính mà còn trở thành một người đàn ông vũ phu. Trở về nhà trong cơn say, những cơn ức chế thần kinh đã khiến anh dang tay đánh vợ. Con người khi tha hoá mà không nhận ra mình tha hoá thì đau ít. Khi còn nhận ra mình bị hư hỏng thì người ta sẽ rơi vào bi kịch. Những nhân vật của Nam Cao thường rơi vào tấn bi kịch tinh thần ấy. Biết mình bị tha hoá mà không tự cứu mình được. Hộ hành động vũ phu với vợ trong cơn say để khi tỉnh rượu lại tự giày vò mình và chửi mình là một thằng khốn nạn. Hộ đã phải chịu đựng cùng một lúc hai bi kịch đớn đau, bi kịch của người nghệ sĩ không thực hiện được mơ ước và bi kịch của một người cha, người chồng không thể thực hiện được nghĩa vụ với gia đình.

READ:  Đọc hiểu Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát

Qua nhân vật Hộ và nhiều nhân vật trí thức khác, Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo của mình. Nhà văn lên án chế độ xã hội đã huỷ hoại nhân cách con người. Tâm sự của Hộ, của Thứ, của Điền cũng là tâm sự của những nghệ sĩ chân chính của mọi thời đại. Mâu thuẫn giữa cơm áo gạo tiền và những lí tưởng nghệ thuật cao cả là mâu thuẫn luôn tồn tại trong lao động nghệ thuật. Qua Hộ, nhà văn đã thể hiện sự tin tưởng của mình đối với những nhà văn chân chính. Vẫn nhận ra sai trái của mình con người sẽ biết sửa chữa. Và những nhà văn như Hộ sẽ vượt lên được mình để giữ gìn nhân cách. Anh sẽ viết được những tác phẩm như anh mong muốn, sẽ có trách nhiệm với gia đình và sẽ vẫn là một người tốt bởi bản chất anh không phải là kẻ xấu. Anh là người có nhân cách.

Hộ là điển hình cho bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Nghệ thuật điển hình hoá đã đạt đến đỉnh cao trong sáng tác của Nam Cao. Những giằng xé trong Hộ, Điền, Thứ cũng là những giằng xé trong mỗi người nghệ sĩ khi họ muốn vượt lên những lo toan đời thường để cống hiến và sống hết mình với nghệ thuật. Vì vậy, giá trị nhân văn cao cả trong sáng tác của Nam Cao cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Không chỉ là tấn bi kịch của một người chân chính, truyện ngắn Đời thừa còn là nơi nhà văn gửi gắm những quan niệm đúng đắn về nghề văn, nhà văn và về nghệ thuật đích thực.

III – liên hệ

Đời thừa là truyện về một nhà văn nghèo bất đắc chí. Đề tài ấy không thật mới : đương thời, đã có Mực mài nước mắt (Lan Khai), Nợ văn (Lãng Tử), nhiều trang tùy bút của Nguyễn Tuân, nhiều vần thơ của Tản Đà, Nguyễn Vĩ, Trần Huyền Trân…, hai câu thơ rất quen thuộc của Xuân Diệu : “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt – Cơm áo không đùa với khách thơ”… Tất cả đều đã nói thấm thía về cảnh nghèo túng đáng thương của người cầm bút.

Đời thừa cũng như một số sáng tác của Nam Cao gần gũi với nó về đề tài, giọng điệu, tư tưởng : Trăng sáng, Nước mắt, Sống mòn… – đã ghi lại chân thực hình ảnh buồn thảm của người trí thức tiểu tư sản nghèo. Tuy không đến nỗi quá đen tối, “tối như mực” lắm khi “đen quánh lại” – chữ dùng của Nguyễn Tuân – như cuộc sống của quần chúng lao động thường xuyên đói rét thê thảm, nhưng cuộc sống của những người “lao động áo trắng”, những “vô sản đeo cổ cồn” đó cũng toàn một màu xám nhức nhối : “không tối đen mà xam xám nhờ nhờ” (Xuân Diệu). Vì nghèo túng triền miên, vì “chết mòn” về tinh thần.

Trong bức tranh chung về cuộc sống người tiểu tư sản nghèo, Nam Cao đã góp vào những nét bút rất mực chân thực và sắc sảo, làm cho hình ảnh vừa bi vừa hài của lớp người này trở nên đầy ám ảnh.

Trong mảng sáng tác về đề tài tiểu tư sản của Nam Cao, Đời thừa có một vị trí đặc biệt. Cũng như tiểu thuyết Sống mòn, Đời thừa là sự tổng hợp của ngòi bút Nam Cao trong đề tài tiểu tư sản, là tác phẩm đã thể hiện khá hoàn chỉnh tư tưởng nghệ thuật cơ bản của nhà văn. Có điều, trong khuôn khổ truyện ngắn, sự tổng hợp ấy không trải ra trên bề rộng mà chủ yếu tập trung đi vào bề sâu.

Giá trị của Đời thừa không phải chỉ ở chỗ đã miêu tả chân thực cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người trí thức tiểu tư sản nghèo, đã viết về người tiểu tư sản không phải với ngòi bút vuốt ve, thi vị hoá mà còn vạch ra cả những thói xấu của họ, v.v…

Cách nói đó dường như xác đáng, song chỉ thấy một lớp ý nghĩa, lớp thứ nhất, lớp bên trên của tác phẩm. Mà với Nam Cao, cách nhìn như vậy thật tai hại, vì nó “bất cập”, vô tình thu hẹp và hạ thấp rất nhiều tầm tư tưởng của truyện. Khác với các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, truyện của Nam Cao thuộc loại có nhiều lớp nghĩa, tư tưởng truyện không phải luôn trùng khít với nội dung cuộc sống được phản ánh trong truyện. Trong khi dựng lại chân thực tình cảnh nhếch nhác của người trí thức nghèo, ngòi bút Nam Cao đã tập trung xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần của họ, qua đó, đặt ra một loạt vấn đề có ý nghĩa khái quát xã hội và triết học sâu sắc.

(Nguyễn Hoành Khung, Giảng văn Văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, 1997)