Khảo dị Huyền Quang

Theo lời kể của một số người Bắc-ninh khác thì phần sau của câu chuyện có khác với truyện vừa kể. Hồi ấy nhà vua ngự giá chơi chùa có tặng Huyền Quang hai mươi lạng vàng. Việc nhận vàng làm cho nhà vua nghi ngờ tấm lòng cao thượng của Huyền Quang. Lúc về cung, vua cho gọi các phi tần cung nữ xem ai có thể nhận nhiệm vụ thử thách vị tổ trẻ tuổi. Không một ai chịu đi cả. Sau cùng có cô công chúa thứ ba – một cô gái học giỏi – nhận lời. Cũng như truyện trên, công chúa cải trang tìm đến chùa, bịa ra câu chuyện cướp đuổi, xin trọ, Huyền quang cho ở phía ngoài. Sự khiêu khích lần đầu của công chúa không có hiệu quả. Trong chùa, Huyền Quang tụng hết quyển kinh này sáng quyển kinh khác.

Ngoài này, công chúa dùng bút giấy ghi chép tất cả. Sáng hôm sau, Huyền Quang lục thúng khảo của công chúa thấy có những bản ghi chép không sót câu nào, thì ngạc nhiên tưởng là tiên, bèn xiêu lòng. Sau đó công chúa xin về, trong thúng có hai mươi lạng vàng Huyền Quang tặng.

Vua có đủ chứng cớ, cho đòi Huyền Quang về bắt làm tờ tự thú. Có câu:

Tụng ba mưới sáu quyển kinh,

Bụi trần chưa sạch, tơ tình còn vương.

Nay nhờ ơn lệnh quân vương,

READ:  Khảo dị truyện sự tích con dế

Rộng dung ân xá đội ơn nghìn trùng.

Các quan đều quì lạy xin tha cho Huyền Quang. Một người hiến kế cho vua như đã kể. Nhưng phép của sư còn thiêng, bao nhiêu cỗ mặn đều hóa chay cả. Vua tha cho, nhưng Huyền Quang không được thành Phật. Có câu ngạn: “Từ Thức tu không thành tiên, Huyền Quang tu không nên Phật”.

Trong sách Huyền Quang hành có kể truyện Huyền Quang nội dung tương tự với lời kể trên. Đại thể là:

Sư Huyền Quang nổi tiếng chân tu được nhà vua Trần Minh Tông kính trọng, ban mười lạng vàng. Nhưng sau đó vua sai Nguyễn Thị Bích đi thử, dặn lấy cho được vàng làm tin. Lúc đầu sư cự tuyệt không cho vào nhưng vì nàng dùng lời nói khéo khẩn cầu, nên sư cho ở phía ngoài tăng phòng. Đêm khuya gió mát, trăng sáng như ban ngày. Sư ngủ không được bèn đi bộ quanh chùa, thấy khách hơi lõa lồ, bèn bỏ đi.

Nhưng rồi sư trở lại, không giữ được lòng nữa, bèn làm thơ tỏ tình. Đến lượt cô gái cự tuyệt, khiến sư phải cho vàng mới xong. Thấy vàng, vua bèn gọi sư về bày đàn thuyết pháp. Trông thấy bức màn bằng lụa quyến nhuộm vàng, sự nói: – “Hoàng quyến nhuốm sắc, tức là ta”. Đoạn sau, không có chuyện cỗ mặn hóa thành chay. Còn có câu ca truyền lại:

READ:  Khảo dị truyện cổ tích Thánh Gióng

Dù mà tát cạn Bình-than

Rửa làm sao sạch tiếng oan cho thầy.

Về nàng Điểm Bích cũng có truyện riêng. Tương truyền nàng là con một người đàn bà ăn xin ở huyện Đường-hào (Hải-dương). Sinh ra không có cha, người mẹ đem nàng cho một nhà giàu làm con nuôi, mang tên là Tam nương (nàng Ba) và được theo đòi bút nghiên. Dần dần học rộng, giỏi thơ văn, được vua Trần Anh Tông kén làm cung nữ, có lúc vua vì trọng tài gọi nàng là “gái thần đồng”. Vì vu oan cho Huyền Quang, Điểm Bích sau đó bị giáng làm nữ tì hầu ở chùa trong cung Cảnh-linh. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ có nói rằng hồi còn bé ông có được nghe kể chuyện về Điểm Bích, và người ta còn đào được mộ nàng.

Theo Tam tổ thực lục và lời kể của người Hải-dương, Bắc-ninh.

Theo người Diễm-xá (Bắc-ninh) kể.

Theo Vũ trung tùy bút thì tác giả là Nguyễn Hoàn người làng Cố-đô (Sơn-tây) soạn bằng chữ nôm, có lẽ nguyên văn nay đã mất.

Theo Sơn cư tạp thuật.

Theo Vũ trung tùy bút.

Theo Tam tổ thực lục.