Khảo dị truyện cố tích Giáp Hải

Về những truyện có tình tiết người cứu vật được đền ơn (hoặc nó hóa thành cô gái theo về làm vợ, hoặc nó giúp cho mình tìm vợ và giàu có), Việt-nam và các dân tộc khác đều có, tuy rằng mỗi truyện phát triển một kiểu khác nhau. Xem thêm truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán số 48, tập II và truyện Cô gái con thần Nước mê chàng đánh cá, số 175, tập IV. Sau đây là một vài truyện tiêu biểu:

Truyện của người Choang: Anh Ba và quan thổ ty:

Một cụ già trước khi tắt thở bảo ba con mỗi người kiếm nghề làm ăn. Vì lười, người anh cả tiêu hết tiền, chết đói. Người thứ hai học nghề trồng rau, người thứ ba nghề câu cá. Một hôm người anh em câu được một con cá đáp, về mổ bụng thấy mộtc con cá chép vàng đang còn thoi thóp. Anh thả vào chậu, cá chép sống lại, nhưng một hôm anh đi vắng cá biến mất. Buồn rầu, anh đi chơi ven sông, bỗng gặp một chàng trai (không phải là cô gái như truyện của ta) tự xưng là cá vàng vốn là con Long vương, mời anh xuống chơi để đền ơn cứu mạng. Long vương yêu quý tặng anh nhiều vàng bạc, nhưng nghe lời dặn của cá vàng, anh từ chối tất cả, khi ra về chỉ xin con gà trắng. Từ đấy ngày nào đi câu về anh cũng thấy cơm canh sẵn sàng. Sau đó một hôm anh giả vờ đi câu nửa đường lộn về, thì thấy một cô gái đẹp. Cô gái đang lúng túng toan chui vào lồng gà nhưng không kịp. Đó là con gái Long vương. Hai người trở thành vợ chồng.

Thổ ty thấy vợ anh đẹp muốn bắt, liền buộc anh phải nộp một trăm hai mươi con cá chép, mỗi con mười bảy lạng, con nào cũng đỏ như nhau. Vợ anh lấy giấy đỏ cắt đủ một trăm hai mươi miếng rồi hóa thành cá nộp cho thổ ty. Lần thứ hai, thổ ty lại bắt dệt một tấm vải màu xanh da trời dài bằng con đường đi. Vợ anh xuống sông đưa lên một quả bầu thần, ước một cái có ngay tấm vải. Lần thứ ba, hắn lại bắt nộp một đàn dê đỏ, anh đều có đủ. Lại bắt nộp một trăm hai mươi con quái vật. Anh cũng nộp ngay. Nhưng quái vật lại đòi thổ ty cho chúng ăn dầu, ăn xong nửa đêm chúng la hét om sòm. Thổ ty châm đèn không ngờ lửa bén vào quái vật. Nóng quá chúng chạy khắp nơi. Cơ nghiệp của thổ ty cháy hết.

Truyện của người Mèo Tiếng khèn Tồng Páo:

Tồng Páo mồ côi đi ở chăn bò cho bà cô. Sợ anh quyến rũ con gái, bà đuổi anh ra khỏi nhà. Giúp đỡ cho người, anh lên núi học được nghề thổi khèn với một cụ già. Thành nghề, anh được cụ cho chiếc khèn. Cô gái con vua Thủy mê tiếng khèn của anh, mời anh xuống Long cung giúp vui trong lễ của vua Thủy; nhân đó anh dạy cho cô gái thổi khèn. Khi vua trả công, anh chỉ xin cái cốc bé như lời mớm của cô gái. Nhưng cốc bé lại chính là con gái con vua Thủy. Hai người trở thành vợ chồng có lâu đài, súc vật, của cải, v.v… Tiếng khèn Tồng Páo làm Ngọc Hoàng say mê. Nhưng khi Ngọc Hoàng thấy mặt vợ anh thì đòi đổi vợ – chín lấy một. Nhờ mưu vợ, anh lên kiệu về trời làm Ngọc Hoàng còn Ngọc Hoàng sau đó bị giết chết. Đoạn cuối còn thêm chi tiết: Con trai anh (do cô gái con vua Thủy bấy giờ đã trốn về Long cung, đẻ ra) cùng mẹ lên trời tìm bố. Sau khi trải qua một vài thử thách, Ngọc Hoàng tức Tồng Páo gặp lại vợ và con.

Ở truyện của người Ma-rốc (Maroc) thì cốt truyện lại phát triển theo một hướng khác:

Một người câu cá nghèo một hôm thả lưới cùng với người con trai, lần thứ nhất được một con lừa chết, lần thứ hai một hòn đá, lần thứ ba mới được một con cá lớn. Trong khi người bố bận việc về nhà trước thì người con vì thấy cá khóc nên tỏ lòng thương hại, đã thả cá xuống nước. Sau đó, sợ bố đánh mắng anh bỏ đi một mạch. Dọc đường anh gặp một người con trai chào đón rất niềm nở, rồi rủ anh đi đến một thành phố nọ, luôn luôn tiếp đãi rất ân cần. Đi qua một cửa hiệu tơ lụa có nhiều hàng đẹp, thấy anh trầm trồ có vẻ ưa thích, người con trai lạ thuê ngay một cửa hàng còn lớn hơn nhiều cho anh quản lý. Ở đây có lắm thứ hàng quý lạ, thu hút sự chú ý của mọi người. Vua thấy anh giàu có mời anh đến ăn tiệc và cho phép anh tự do thăm các cung điện. Anh gặp công chúa và được công chúa mời uống chè. Một hôm, anh thấy buồn, người trai lạ hỏi lý do, anh nói muốn lấy công chúa mà không biết làm sao: – “Dễ lắm, người trai lạ nói, anh cứ đến hỏi có gì ta sẽ liệu”. Hôm sau anh ngỏ lời với vua. Vua bàn với hoàng hậu. Hoàng hậu đưa ra một viên ngọc quý bảo anh phải mang một viên giống thế đến làm sính lễ. Người trai lạ cho anh cả một túi ngọc quý. Anh mang đến cho vua và được ở trong cung với công chúa. Anh ở lỳ đấy đến một năm, quên mất lời hẹn với bạn. Sau đó bạn cũng giúp anh đưa công chúa về thăm quê bằng cách chuẩn bị chỗ ăn chỗ nghỉ dọc đường rất chu đáo. Khi gần đến quê, bạn nói thật cho anh biết mình vốn là con cá bị bắt dạo nọ cốt giúp anh để trả ơn. Rồi lại cho anh một thứ bột để khi cần thì rắc một ít vào chỗ câu cá năm xưa, nó sẽ đến giúp.

READ:  Khảo dị Sự tích cá he

Ở truyện của Ả-rập (Arabie) sưu tầm ở Cai-rô (Le Caire), thì cốt truyện còn phát triển khác hơn:

Mô-ham-mết, con một người câu cá, do trả lại sự sống cho một con cá mà mình câu được, nên được nó trả ơn bằng cách giúp anh đến cung vua, lập được nhiều công trạng. Vua muốn vỗ ơn anh. Một đại thần bày cho vua kế sai anh đi hỏi công chúa ở xứ Đất xanh đầy nguy hiểm. Cá bảo anh đòi vua một chiếc tàu vàng. Vua cho. Cá dẫn đường cho tàu chạy. Đến nơi thấy tàu đẹp mọi người đổ xô ra xem, trong đó có công chúa; chờ công chúa bước lên khoang, anh cho tàu chạy về nước. Công chúa ném nhẫn xuống biển. Cá đớp lấy. Đưa về, vua muốn lấy công chúa. Công chúa đòi phải tìm cho được chiếc nhẫn cưới dưới biển mới lấy. Vua bắt Mô-ham-mết đi tìm. Anh lại nhờ cá và lấy được nhẫn cưới cho vua. Công chúa lại nói phong tục nước mình khi kết hôn phải đào một con kênh nối lâu đài với sông, lại chất đầy củi rồi đốt lửa cho chàng rể nhảy vào tắm lửa, sau đó sẽ trở về với vợ. Vua nhận làm, nhưng khi đốt củi lên thì bắt Mô-ham-mết nhảy vào lửa trước xem sao. Cá bày cho anh cách cầu thần để nhảy vào lửa mà không chết. Khi bước ra đẹp hơn lúc vào. Thấy thế, vua và đại thần nhảy vào lửa, bị thiêu ra tro. Mô-ham-mết cưới công chúa và lên ngai vàng. (Hình tượng cuối cùng này giống một truyện của người Ý, xem KHẢO DỊ, truyện số 92, tập II).

Về chỗ người mẹ Giáp Hải được thấy địa lý trả ơn, tìm cho một đám đất quý, nhờ đó Giáp Hải về sau đậu Trạng làm quan, ở ta có rất nhiều truyện có tình tiết tương tự, chẳng hạn truyện Nguyễn Văn Giai:

Bố mẹ Nguyễn Văn Giai nhà nghèo mở quán làm nghề hàng nước. Một hôm có những người khách phương Bắc bị bão đắm tàu đến quán hàng này mấy lần ăn chịu, lại vay tiền làm tiền ăn đường. Hai vợ chồng cầm nồi, áo lấy tiền giúp họ không tính chuyện trả ơn. Sau đó, được họ tìm cho một đám đất quý để táng mộ bố. Người vợ một hôm đi múc nước giếng thấy có sao rơi vào bình, bèn uống lấy, từ đấy cảm động có mang, sinh ra Nguyễn Văn Giai. Nguyễn Văn 8Giai lớn lên thông minh, có sức khỏe, đi thi đậu đầu, về sau có công “phù Lê diệt Mạc” làm đến chưởng lục bộ quận công.

Về chỗ Giáp Hải xuống âm phủ tìm con nhưng không được con nhìn nhận, ở ta còn có hai truyện, đầu đề là Con là nợ, đều có hình tượng tương tự:

1. Một nhà phú hộ có ba người con. Người con cả ham mê cờ bạc, nướng hết của nhà. Người con thứ hai, trái lại cần cù làm ăn, đưa về rất nhiều tiền bạc, nhưng lại dè xẻn chẳng tiêu gì cả. Còn người con út thì hết ăn no lại nằm. Tự nhiên cái chết mang cả ba đi một cách đột ngột. Người phú hộ thương xót vô cùng, bèn mời thầy đồng thiếp cho mình đi tìm con.

Xuống đến địa ngục, người cha gặp ba đứa con đang cưỡi ngựa. Mừng quá, ông chạy theo gọi tướng lên. Nhưng hai đứa đầu thấy mặt bố, vẫn cắm cổ thúc ngựa chạy đi, không ngoảnh lại, trừ có người con út. Người cha ôm lấy nó khóc lóc: -“Sao các con lại bạc bẽo thế, bỏ cha mẹ mà đi cùng một lúc, cho nên cha phải xuống tìm, thế mà hai đứa kia cứ cắm cổ mà đi!”. Người con trả lời: – “Chúng tôi vốn không phải là con ông. Người đầu là kẻ ông từng mắc nợ, nên nó đánh bạc tiêu xài cho đến khi hết số nợ mà ông phải trả. Còn người thứ hai là kẻ mắc nợ ông, cho nên nó phải làm ăn chắt bóp để trả đủ số nợ. Còn tôi chỉ là người làm chứng. Khi thấy đôi bên đã “lại hoàn đủ số” thì chúng tôi ra đi.

2. Có hai vợ chồng già mà chưa có con. Hàng ngày họ thành khẩn cầu nguyện. Thấy thế, Ngọc Hoàng bảo đức Phật giúp cho họ một đứa con. Đức Phật nói với Diêm vương, Diêm vương bảo quan hầu xem có ai thiếu nợ ông già thì cho đầu thai lên trả. Quan đáp: – “Không có ai thiếu nợ ông ta cả, chỉ có ông ta thiếu nợ của người mà thôi” – “Vậy thì cho người ấy đầu thai ngay!” Từ đó bà già có mang đẻ được một con trai. Đứa con lớn lên ăn xài vô độ, tiêu hết tiền dành dụm của bố mẹ. Sau đó, tự nhiên nó đau nặng rồi chết. Cũng như truyện trên, thấy con chết yểu, người bố buồn quá, đánh đồng thiếp xuống thăm. Khi cha con gặp nhau, chẳng những hắn không mừng mà còn hỏi xóc: – “Cha chết rồi hay sao mà xuống đây?”. Ông già kể chuyện cho nghe, hắn đáp: – “Kiếp trước ông thiếu tôi ba ngàn quan. Từ ngày về với ông, tôi đã tiêu hết hai ngàn bảy trăm. Thấy ông tốt, tôi miễn cho ba trăm, vậy là tử tế lắm”. Ông già cứ nằng nặc khuyên con trở về. Nó bỏ đi mất, ông lại đi tìm, đón đường hết lời khuyên dỗ. Nó lại bỏ đi. Giận quá, ông già về đào mả đốt xương con quăng khắp nơi. Không ngờ lửa lan ra làm cháy mía của các chủ ruộng khác, bị họ bắt đền, tổng cộng hết ba trăm quan. Ông nghĩ lại: – “Vậy là cuối cùng tròn số ba ngàn quan”.

READ:  Khảo dị Sự tích đá Vọng phu

Một truyện thứ ba Thái thú Diễn-châu tình tiết có khác ít nhiều:

Vợ một ông tri phủ Diễn-châu đẻ mấy bận không nuôi được. Một lần có mang, chồng mộng thấy thần cho một lưỡi tấm sét bảo đánh cho con một chiếc vòng chân. Bèn làm theo. Đứa con trai lần ấy quả nuôi được, đặt tên là Kim Tích. Kim Tích mười bảy tuổi đỗ cử nhân, một hôm bảo người bố: – “Nay con đã khôn lớn, chả nhẽ cứ phải đeo vòng mãi sao”. Bố cho là phải, bèn tháo ra, nhưng vừa tháo thì Kim Tích chết. Thương con quá, ông bắt cả nhà để tang.

Một cô gái bán cau ở gần làng có quen biết nhà này, một hôm đến chơi cho biết Kim Tích hôm kia đến chơi nhà mình có xe ngựa và đầy tớ rậm rịch, chắc làm quan to. Lại bảo: – “Muốn biết thì hai hôm nữa đến nhà tôi nấp xem sẽ thấy”. Người bố làm theo, quả gặp. Nhưng khi thấy bố, Kim Tích mắng: – “Mày giam hãm tao mười bảy năm nay còn mặt mũi nào mà nhận cha con nữa”. Nói xong biến mất. Người bố tức quá về đốt hết đồ tang đi.

Tương tự với truyện trên, Trung-quốc có truyện như sau:

Một người họ Trương tên là Thiện Hữu thường ăn chay niệm Phật, lấy vợ họ Lý tuy làm ăn khá giả nhưng chưa có con. Gần làng có một người tên là Thiệu Đình Ngọc, nhà nghèo, mẹ chết không có tiền làm ma, mới tìm đến ăn trộm nhà Thiện Hữu lấy được sáu mươi lạng bạc trót lọt. Sau đó, có một nhà sư ở Ngũ-đại-sơn đi quyên giáo đến gửi cho Thiện Hữu hơn một trăm lạng của nhà chùa. Chồng đưa cho vợ cất. Một hôm bận đi hành hương ở miếu Đông-nhạc, chồng bảo vợ hễ sư đến thì giao. Nhưng khi nhà sư đến, người vợ kiếm điều đuổi đi, nói nhà mình không giữ tiền nong gì cả. Khi chồng về, vợ nói dối là đã giao tiền cho sư rồi.

Hai năm sau, người vợ đẻ được một con trai, từ đó nhà làm ăn khấm khá. Năm năm sau lại sinh được đứa thứ hai. Con cả thức khuya dậy sớm, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu. Trái lại con thứ hai thì cờ bạc hát xướng không lúc nào ngơi, nợ như tổ đỉa. Bố mẹ thấy thế, chia của làm ba phần, hai con hai phần, mình giữ lấy một. Nhưng đứa thứ hai phá tan gia tài chỉ trong nửa năm. Hết, lại đến đòi bố mẹ. Được ít lâu người anh cả ốm nặng rồi chết, tài sản lại lọt vào tay em, nó ăn chơi vô độ, tiêu hết rồi chết. Người mẹ buồn rầu khóc lóc đến chảy máu mắt rồi cũng qua đời. Liên tiếp gặp mấy cái tang. Thiện Hữu đau xót quá, bèn đến trước miếu Đông-nhạc kêu gào với thần. Bỗng nằm thiếp đi, thấy mình đến trước Diêm-vương. Thiện Hữu lại kêu với Diêm vương. Diêm vương hỏi: – “Có muốn gặp con không?”. “Có”. Quỷ vâng lệnh vua đưa hai đứa đến. Thiện Hữu mừng rỡ bảo con cả: – “Con ơi! Con trở về với cha nhé!”. Nó lạnh lùng đáp: – “Tôi không phải là con ông. Kiếp trước tôi là Thiệu Đình Ngọc vì trộm bạc của ông nên tôi phải đầu thai làm con để trả đủ vốn lẫn lãi đó thôi!”. Người cha lại quay sang đứa thứ hai: – “Con về với cha nhé”. Đáp: – “Tôi không phải con ông. Xưa tôi là sư ở Ngũ-đại-sơn vì ông cướp không số tiền quyên giáo, nên tôi đầu thai để đòi cả vốn lẫn lãi”. Thiện Hữu nói: – “Tôi mà cướp tiền quyên giáo của nhà chùa ư? Vợ tôi chả đã giao cho hòa thượng đủ số rồi kia mà!”. Diêm vương hỏi: – “Có muốn gặp vợ không?” – “Có”. Quỷ lại đưa vợ đến với gông ở cổ, xiềng ở chân. Thiện Hữu hỏi về số tiền quyên giáo. Vợ kể cho biết sự thật, và cho biết mình đang ở tầng địa ngục thứ mười tám, bị hành hạ rất khổ sở. Nói xong níu lấy áo chồng kêu cứu. Thấy vậy, Diêm vương đập bàn quát tháo. Thiện Hữu chợt tỉnh dậy, sau bỏ đi tu.

Theo Vũ Phương Đề. Công dư tiệp ký.

Theo Truyện dân gian Trung-quốc, đã dẫn.

Theo Truyện cổ Việt-bắc, đã dẫn.

Theo Mô-ha-mết En Pha-si (Mohamed El Fasi), sách đã dẫn.

Theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn, tập II.

Truyện này chép đầy đủ trong Văn học dân gian sưu tầm ở xã Ích-hậu (chưa xuất bản).

Theo Jê-ni-bren (Génibren), sách đã dẫn.

Theo Sơn-nam, sách đã dẫn.

Theo Đại-nam, kỳ nhân liệt truyện, sách đã dẫn.

Theo Vi-ê-jê (Wiéger): Sách sơ yếu (bạch thoại). Truyện kể.