Khảo dị truyện Ai mua hành tôi hay là lọ nước thần

Phần đầu truyện Ai mua hành tôi hay là lọ nước thần có nơi không kể việc báo ân của con chim mà là báo ân của một con rồng. Số là anh chồng một hôm làm đồng đàn phải huyệt đất rồng (có người nói táng mả vào lưng rồng), làm cho con rồng đau. Rồng báo mộng bảo phải lấp lại (hoặc dời mộ đi nơi khác), nó sẽ cho một thứ nước thần đưa lọ ra mà hứng, v.v…

Đồng bào Tày có truyện Ba anh em mồ côi là một dị bản của truyện trên:

Có ba anh em mẹ chết còn bố, tài sản chỉ có một con bò là quý giá. Bố chết, hai em giết bò làm ma. Anh đi xa về thấy thế la mắng em sao không để bò lại mà cày, rồi đây lấy gì làm ăn. Bèn đến mộ bố gào khóc đêm ngày. Hồn của bố thương con cho con bạc đặt ở trên mộ. Được bạc, anh đưa về tiêu dùng một mình, không chia cho các em. Em thứ hai thấy vậy, lại đến mộ bố kêu khóc và được bố cho vàng. Đến lượt em út đến kêu khóc, bố nói không còn gì nữa cả, chỉ có một hũ nước thần cho về treo lên nóc nhà nút kỹ sẽ có ngày dùng đến. Hắn làm đúng như lời, nhưng vợ hắn lại tưởng là hũ vàng hũ bạc chi đây, bèn nhân lúc chồng đi vắng lấy xuống xem. Cũng như truyện trên, khi thò tay vào khoắng thấy tay trở nên trắng trẻo, chị bèn dùng nước tắm khắp người, thành ra đẹp như tiên. Ở đây không có câu chuyện bức tranh truyền thần và con quạ báo thù. Nghe tin, vua ra lệnh cho chồng đưa vợ tới cho mình xem mặt. Lúc tới, vua chiếm lấy người đẹp, chồng chỉ còn ngồi khóc. Vợ dặn nhớ về bắt nhiều chim sâu vặt lông làm áo quần rồi mặc đến cung. Anh làm theo. Vua thấy lạ, đòi đổi áo. Kết cục cũng như truyện của ta, chó thấy vua tưởng là người lạ xông ra cắn chết và người chồng trở thành vua.

Người Mèo có truyện Chàng thổi khèn cũng là một dị bản của các truyện trên:

Một chàng trai có tài thổi khèn làm cho con gái một phú ông đâm ra mê mẩn. Anh phải đi trốn đến một hòn đảo để tránh tai vạ. Ở đây tiếng khèn của anh lại làm đẹp lòng Long vương. Vua sai đón anh xuống thổi khèn nhân đám ma bố mình. Cô gái út Long vương đến lượt phải lòng anh, nhưng Long vương không muốn gả, bắt anh phải qua nhiều thử thách. Nhờ có sự giúp đỡ của người yêu, anh đều thắng cuộc. Lần cuối cùng, người yêu của anh biến thành gà để bí mật theo anh về cõi trần. Sau đó nàng còn nhờ tiên xây lâu đài để cho hai vợ chồng ở. Nhưng một hôm, Ngọc Hoàng nghe tin vợ người thổi khèn đẹp, bèn đòi anh ta đổi vợ cho mình: một lấy mười. Anh không chịu, Ngọc Hoàng sai lính đến cướp lấy mang về. Cũng như các truyện trên, nhờ có chiếc áo (đây là lông thú không phải lông chim) do vợ dặn mình khâu, anh lên trời rao bán, làm cho Ngọc Hoàng phải đổi áo cho anh để mua nụ cười của người đẹp. Kết cục anh chàng thổi khèn làm vua, còn Ngọc Hoàng bị bầy chó trong cung lạ hơi vì chiếc áo, xông ra cắn chết.

READ:  Khảo dị truyện Con cóc liếm nước mưa

Một số dị bản của truyện Chiếc áo lông chim có gắn vào một phần đầu nói về lai lịch của một nhân vật vốn là người thần trong lốt vật. Cô-xcanh (Cosquin) thì cho rằng loại truyện như truyện Chiếc áo lông chim vốn xuất phát từ loại truyện có chủ đề người (nam) kết duyên với vật (nữ), thực ra đó là người trong lốt vật như kiểu Người lấy cóc (số 126), v.v… Sau đây là truyện của người Dao ở Tuyên-quang:

Một chàng trẻ tuổi chữa bệnh cho vua Rồng ở biển bằng cách tháo lưỡi câu mắc vào họng vua. Để trả ơn, vua cho chọn một trong ba cái lọng thần. Anh chàng vô tình chọn được một cái lọng có phép làm mưa, khi trời hạn muốn mưa bao nhiêu cũng được.

Một hôm anh đang làm mưa, tự nhiên rơi xuống một con cá vảy biếc. Anh đem về nuôi trong vại nước. Giống với truyện Tú Uyên (số 117), từ đó mỗi lần anh đi vắng, mọi việc nhà đều dược một người lạ mặt nào đó đến chăm sóc chu đáo. Để tìm ra sự thật, một hôm anh trốn vào chạn lúa phía trên cái vại tay thủ sẵn một cái chày giã gạo, giả cách di vắng. Cá bỗng hóa ra cô gái đẹp (vì đó là con vua Rồng) bước ra khỏi vại làm công việc nhà. Anh để rơi chày làm vỡ vại rồi ôm lấy cô gái. Không có nước để trở về hình dạng cũ, cô gái từ đó trở thành vợ anh. Hai người rất yêu nhau.

Đến đây truyện bắt đầu chuyển sang dạng truyện Chiếc áo lông chim. Một hôm, anh đi làm đồng vắng. Ở nhà lính vua đi qua ngõ thấy có người đàn bà đẹp bèn bắt giải về dâng vua. Vua yêu dấu, nạp làm hoàng hậu và biệt đãi hơn tất cả các vợ khác, nhưng vẫn không làm cho người đàn bà vui lòng. Về nhà không thấy vợ, anh đi theo dấu cải mọc (vì biết rằng đó là dấu của vợ cho mình biết mà đi tìm). Anh đi mãi đi mãi đến nỗi áo rách tơi tả như ăn mày. Cuối cùng cũng đến kinh đô nhà vua. Người đàn bà lúc ấy ở sân rồng vừa thấy mặt chồng thì mỉm cười. Thấy thế vua nói: – “Một năm nay ta chăm sóc yêu dấu mà không thấy nàng cười. Thế mà vừa thấy bóng đứa ăn mày thì nàng vui ra. Hay là ta cũng ăn mặc như nó để cho đẹp lòng nàng”. Cũng như các truyện trên, vua cởi áo đang mặc cho anh, rồi mặc áo rách vào, và cũng bị chó trong cung xé xác. Còn người chồng thật thì trèo lên ngai vàng.

READ:  Khảo dị Sự tích đá Vọng phu

Một truyện Mông-cổ chép trong sách Cái chết mầu nhiệm (Siddhi Kho tương tự với truyện trên:

Một chàng trẻ tuổi giải phóng một con nhái, con gái của vua Rồng, sau đó lại cứu một con rắn khỏi vuốt một con chim dữ, con rắn này là con trai vua Rồng anh dược vua trả ơn bằng một tặng vật có thể gọi được thức ăn ngon. Vua lại cho một con chó cái như kiểu con cá vẩy biếc ở truyện trên. Đêm lại chó cái cởi lốt hóa ra người, thành vợ chàng trai, sáng ra lại mặc lốt vật vào. Một hôm vợ anh lấy dạng người để đi tắm, ở nhà anh ném lốt vào lửa. Vợ về thấy vậy rất buồn vì chồng làm thế tất sẽ có sự chia ly, ít ngày sau, người đàn bà lại đi tắm ở một con sông. Một búi tóc của nàng rơi ra, trôi theo dòng nước. Búi tóc này có năm mầu lấp lánh và bảy tính quý, trôi vướng vào bình của một cô hầu trong cung đang múc nước. Thấy búi tóc lạ, người hầu dâng lên vua.

Vua bảo mọi người: – “Trên nguồn phải có một người đàn bà rất đẹp mới có búi tóc như thế này. Các ngươi hãy cố gắng bắt về cho ta”.

Khi thấy người của nhà vua sắp đến, người đàn bà biết sắp phải chia ly, mới dặn chồng làm một cái áo lông chim “pi” và lông thú rồi mặc vào, đến cung vua làm những điệu bộ cầu khẩn. Người chồng nghe theo. Thấy chồng đến với cái áo lạ, người đàn bà giờ đã là hoàng hậu, nở một nụ cười, vua nói: “Hơn một năm nay mặc dầu ta chiều chuộng đủ cách mà nàng không cười, nay sao lại cười trước điệu bộ của người kia?”. Đáp: – “Tôi cười vì cái bộ lông chim kia. Nếu vua mặc vào tôi cũng cười ngay”. Trong khi vua đổi áo cho anh chàng thì người đàn bà dặn người hầu thả chó dữ ra. Vua bị chết tại chỗ, còn người đàn bà đưa chồng lên ngôi vua.

Ở một số dị bản khác của truyện Chiếc áo lông chim lưu hành ở một số dân tộc còn có xen vào những tình tiết đấu trí giữa nhân vật chính (nữ hay nam) với tên vua (hoặc quan do vua sai đến) cùng một loại với những tình tiết của truyện Em bé thông minh. Ví dụ truyện Chiếc áo lông chim của dân tộc Nùng (đã kể ở KHẢO DỊ truyện số 80, tập II).