1.1. Nguồn gốc của pháp luật:
Trong bất cứ một xã hội nào, để xã hội có thể tồn tại và phát triển thì các quan hệ giữa người với người – quan hệ xã hội phải tuân theo những nguyên tắc chung nhất định. Những quy tắc chung ấy tồn tại trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đới sống xã hội: Trong sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, trong sinh hoạt chính trị, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, gia đình,… Người ta gọi đó là các quy tắc xử sự chung. Nhưng trong các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người, những quy tắc xử sự chung ấy hình thành theo những cách khác nhau và biểu hiện dưới những hình thức khác nhau.
Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, khi xã hội phân chia thành giai cấp, chưa có sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa các tập đoàn người, thì các quy tắc xử sự chung ấy hình thành một cách tự phát, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chung của cả cộng đồng và cũng là lợi ích của mỗi thành viên cộng đồng. Hình thức tồn tại của ác quy tắc xử sự chung ấy là các phong tục, tập quán hoặc dưới hình thức các lễ nghi tôn giáo và được đảm bảo thực hiện bằng sự tự giác của mỗi người và bằng uy tín tự nhiên của các thủ lĩnh cộng đồng.
Khi xã hội cộng sản nguyên thuỷ tan vỡ, xã hội có giai cấp xuất hiện – một xã hội mà có sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa các nhóm, các tập đoàn người, thì mâu thuẫn giai cấp và sự đấu tranh giữa các giai cấp với nhau ngày càng trở nên gay gắt. Trong điều kiện đó để giữ cho xã hội trong vòng trật tự nhất định phải có một giai cấp nắm trong tay những lực lượng chủ yếu, những của cải vật chất chủ yếu của xã hội, tổ chức nên cần phải có một thiết chế đặc biệt với những công cụ đặc biệt, thiết chế đó chính là Nhà nước. Khi có bộ máy Nhà nước trong tay giai cấp đó trở thành giai cấp thống trị xã hội. Để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp thống trị thông qua Nhà nước đặt ra những quy tắc ứng xử mới và dùng sức mạnh quyền lực của Nhà nước bắt buộc mọi người trong XH phải tuân theo và khi đó pháp luật đã xuất hiện trong đời sống xã hội.
Như vậy, một loạt quy tắc xử sự mới ra đời, đó là quy tắc pháp luật – là quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp thống trị do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước. Càng ngày pháp luật càng trở thành một công cụ đắc lực để thực hiện sự thống trị giai cấp, một yếu tố không thể thiếu được để đảm bảo trật tự, ổn định xã hội.
1.2. Khái niệm pháp luật.
Khởi đầu các quy tắc xử sự của pháp luật chủ yếu được hình thành bằng việc Nhà nước thừa nhận các phong tục, tập quán đã có sẵn trong xã hội phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị. Sau này, pháp luật được Nhà nước trực tiếp đặt ra và ban hành để toàn xã hội thực hiện.
Do vậy, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định cho sự phát triển của xã hội.