Phân tích ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến thống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1946 – 1954)?

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1946-1954) là cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến đó vừa có ý nghĩa dân tộc, vừa có ý nghĩa quốc tế sâu sắc.

1. Ý nghĩa lịch sử

– Thắng lợi của cuộc kháng chiến bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám 1945, chấm dứt ách thống trị của bọn thực dân Pháp trong gần một thế kỷ trên đất nước ta, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên một nửa đất nước. Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới: giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, hoàn thành thống nhất nước nhà.
– Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị nô dịch vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập tự do và dân chủ tiến bộ, báo hiệu một thời kỳ sụp đổ từng mảng của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển của cách mạng thế giới.

2. Nguyên nhân thắng lợi

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ giành được thắng lợi là do các nhân tố cơ bản sau:
– Có sự lãnh đạo của Đảng với đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, có khối đoàn kết nhất trí của toàn dân, có mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng. Các đảng viên của Đảng đã xung phong gương mẫu, dũng cảm đi đầu trong cuộc chiến đấu.
– Có sự đoàn kết chiến đấu toàn dân được tổ chức, tập hợp trong Mặt trận dân tộc rộng rãi – Mặt trận Liên – Việt, dựa trên nền tảng của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức.
– Có lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Đây là lực lượng trực tiếp đóng vai trò quyết định tiêu diệt địch trên chiến trường.
– Chúng ta có chính quyền dân chủ nhân dân, một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Đây là một công cụ sắc bén của Đảng để tổ chức toàn dân kháng chiến và xây dựng chế độ mới.
– Có hậu phương ngày càng mở rộng và củng cố về mọi mặt, bảo đảm chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho mặt trận.
– Có sự liên minh chiến đấu của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia chống kẻ thù chung và được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc bị áp bức và các lực lượng hoà bình tiến bộ trên thế giới.

READ:  Vì sao trong chiến tranh thế giới thứ 2, Mĩ trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất thế giới? Hãy trình bày về "Chiến lược toàn cầu" của Mĩ?

3. Những bài học kinh nghiệm

– Kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Nhiệm vụ chống phong kiến phải tiến hành có kế hoạch, từng bước để vừa phát triển lực lượng cách mạng, vừa giữ vững khối đoàn kết dân tộc.
– Xác định và quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân: toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Đây là bí quyết thắng lợi của cuộc kháng chiến.
– Vừa kháng chiến, vừa xây dựng chế độ mới, xây dựng hậu phương vững mạnh để đẩy mạnh kháng chiến.
– Kiên quyết kháng chiến lâu dài, đi từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy. Kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích.
– Xây dựng Đảng vững mạnh và bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, có chủ trương và chính sách kháng chiến ngày càng hoàn chỉnh, có ý chí quyết chiến và quyết thắng kẻ thù. Có đội ngũ đảng viên dũng cảm, kiên cường, là những chiến sĩ tiên phong trong chiến đấu và trong sản xuất.