Trình bày khái niệm và cách thức phân định các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền các quốc gia ven biển.

Nội thuỷ

Nội thuỷ là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, tại đó các quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền. Điều 8 Công ước quy định: “Trừ trường hợp đã được quy định ở phần IV, các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải thuộc nội thuỷ của quốc gia”. Phần IV – phần được loại trừ ở đây là phần quy định về quốc gia quần đảo, quy định: “Ở phía trong vùng nước quần đảo, quốc gia quần đảo có thể vạch những đường khép kín để hoạch định ranh giới nội thuỷ của mình theo đúng các điều 9, Điều 10, Điều 11” (Điều 50 của Công ước về hoạch định ranh giới nội thủy).

Vùng nước nội thuỷ bao gồm các vùng nước cảng biển, các vũng tàu, cửa sông, các vịnh, các vùng nước nằm kẹp giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Việc xác định đường cơ sở của quốc gia ven biển phải tuân thủ đúng Công ước về cách xác định đường cơ sở thông thường (Điều 5); về cách xác định đường cơ sở thẳng (Điều 7). Nếu việc xác định đường cơ sở sai so với công ước thì tàu thuyền nước ngoài vẫn được quyền đi qua không gây hại trên vùng nước đó theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Công ước: “Khi một đường cơ sở được vạch ra theo đúng phương pháp được nói ở Điều 7 gộp vào nội thủy các vùng nước trước đó chưa được coi là nội thuỷ thì quyền đi qua không gây hại nói trong Công ước vẫn được áp dụng ở các vùng nước đó”.

Lãnh hải

Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thuỷ của mình, và trong mọi trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo đến một vùng biển tiếp liền gọi là lãnh hải. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của vùng biển này (Điều 2 Công ước);

READ:  Khái niệm và chế độ pháp lý của Vùng đặc quyền kinh tế

Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước (Điều 3 Công ước); Ranh giới phía ngoài của lãnh hải là một đường mà mỗi điểm ở trên đường đó cách điểm gần nhất của đường cơ sở một khoảng cách bằng chiều rộng lãnh hải (Điều 4 Công ước);

Vùng tiếp giáp lãnh hải

Vùng biển tiếp giáp với lãnh hải gọi là vùng tiếp giáp lãnh hải. Vùng tiếp giáp rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 33 Công ước).

Vùng đặc quyền kinh tế

Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần V – Vùng đặc quyền về kinh tế của Công ước Luật biển 1982, theo đó, các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh. Vùng đặc quyền về kinh tế không mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (vì lãnh hải rộng 12 hải lý nên thực chất, vùng đặc quyền về kinh tế chỉ rộng 188 hải lý).

Thềm lục địa

Điều 76 Công ước 1982, khoản 1 định nghĩa: “Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”.

READ:  Các quy định của công ước luật biển 1982 về ranh giới bên ngoài của thềm lục địa và chế độ pháp lý của thềm lục địa

Trên thực tế, rìa ngoài của thềm lục địa ở các khu vực có khác nhau: Có nơi hẹp, không đến 200 hải lý; nhưng có nơi rộng đến hàng trăm hải lý. Điều 76 khoản 5, 6, 7, 8 của Công ước Luật Biển 1982 quy định rất rõ: Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Trong trường hợp khi rìa ngoài của thềm lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước Luật Biển 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công ước. Có nghĩa là quốc gia ven biển phải trình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét, ra khuyến nghị.