Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng ruộng đất, người nông dân đã có ruộng, có tổ chức sản xuất là hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm, nên có nơi, có lúc HTX sản xuất trì trệ, năng suất lao động, năng suất sản xuất thấp. Thêm vào đó là những tai biến do thiên tai, nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhiều nơi nông dân quay lưng lại với đất đai, thờ ơ với tư liệu sản xuất.
Trong thời gian dài, nông nghiệp chưa làm tròn nhiệm vụ kích thích nền kinh tế phát triển và giải quyết cái ăn cho nhân dân cả nước. Xuất phát từ đó, Bộ Chính trị ra NQ 10 về việc khoán sản phẩm đến tận tay người lao động. Nội dung chủ yếu là giao ruộng cho nông dân sử dụng trong một thời gian dài. Người nông dân sử dụng diện tích ruộng được khoán, mỗi vụ chỉ nộp cho hợp tác xã một số lượng nông sản nhất định. Nếu năng suất cao, dôi ra bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu. Từ đó, nông dân phấn khởi sản xuất và đó là một trong những nguyên nhân làm cho nước ta trước vốn thiếu lương thực nhưng từ năm 1990 đến nay, mỗi năm đã xuất khẩu được hàng triệu tấn gạo.