Vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Làm tốt công tác Mặt trận, dân vận không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhu cầu; đồng thời là thước đo sự trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên, trực tiếp góp phần xây dựng các tổ chức trong sạch, vững mạnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị rộng lớn, một bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, từ khi ra đời đến nay luôn tỏ rõ vai trò quan trọng trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với vị trí, vai trò như vậy nên công tác mặt trận là một lĩnh vực hoạt động không chỉ rất quan trọng mà còn là lĩnh vực công tác rộng lớn và lâu dài trong toàn bộ công tác cách mạng.

Chính với ý nghĩa ấy, công tác mặt trận cũng là công tác của cả hệ thống chính trị, nói cụ thể hơn là cả của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể chính trị – xã hội và của toàn quân, toàn dân nói chung. Đương nhiên, trách nhiệm chính vẫn là của những người được giao trọng trách trực tiếp làm công tác mặt trận.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn có quan niệm, cách suy nghĩ cho rằng, công tác mặt trận là của riêng cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp, cụ thể là công việc của cán bộ, đảng viên được phân công trực tiếp làm công tác mặt trận. Họ không hiểu được thực chất đây là sự “liên hiệp lãnh đạo”, “liên hiệp công tác”, ngoài trách nhiệm của cán bộ trực tiếp công tác trong các cơ quan mặt trận, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nói chung đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ làm công tác mặt trận. Nói cách khác, mọi cán bộ, đảng viên bất kỳ ở cương vị, ngành, lĩnh vực công tác nào, không trừ một ai, đều có trách nhiệm cùng tuyên truyền, vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng tức là tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Do đặc điểm và yêu cầu của cách mạng nước ta, bên cạnh công tác mặt trận còn có công tác dân vận, mà công tác mặt trận cũng đồng thời là công tác dân vận. Cả hai về thực chất đều là công tác vận động quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và đều có vị trí quan trọng trong cách mạng. Cho nên, cán bộ mặt trận cũng đồng thời là cán bộ dân vận và ngược lại. Điều đáng nói, cho đến nay chúng ta còn chưa thật sự coi trọng sự phối hợp trong hai lĩnh vực công tác quan trọng này, cũng như coi trọng sự phối hợp, kết hợp công tác dân vận, công tác mặt trận trong toàn bộ việc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Chính sự thiếu coi trọng phối, kết hợp này đã làm hạn chế kết quả, hiệu quả thực tế của công tác vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân.

Điều dễ nhận thấy trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là, tổ chức bộ máy mặt trận được bố trí từ Trung ương đến tận khu dân cư. Tuy nhiên, trong nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể, thậm chí ngay một số cán bộ làm công tác mặt trận cũng chưa hiểu và coi trọng đúng mức đến công tác mặt trận. Biểu hiện cụ thể là ở một số địa phương, ủy ban Mặt trận Tổ quốc còn chưa được quan tâm bố trí đủ về số lượng cũng như coi trọng đúng mức việc bố trí cán bộ mặt trận có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực để đảm đương nhiệm vụ cách mạng được giao. Trên thực tế đến nay, một số cấp ủy đảng, chính quyền vẫn xem cơ quan mặt trận là nơi hứng nhận những cán bộ không còn đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kể cả cán bộ khi “có vấn đề” ở các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể lại đưa về cơ quan mặt trận công tác để chờ nghỉ hưu. Một khi cán bộ đã về công tác ở cơ quan mặt trận thì rất hiếm khi có điều chuyển ngược trở lại công tác ở các cơ quan đảng, nhà nước. Lâu dần thành quen, với suy nghĩ và cách thức làm việc như nói trên đã tạo tâm lý chung trong cán bộ ngại hoặc không thích về công tác ở các cơ quan mặt trận.

READ:  Trình bày quan điểm, chủ trương của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội của Đảng thời kỳ đổi mới.. Kết quả, ý nghĩa?

So với đội ngũ cán bộ các cơ quan đảng, chính quyền, đều cùng là ngạch công chức, viên chức nhưng trong quan hệ đối xử, cán bộ mặt trận thường chịu thua thiệt hơn về chế độ học hành; chế độ lương, thưởng; điều kiện và phương tiện làm việc… Không ít nơi, trong quan hệ giữa mặt trận với chính quyền, để mặt trận có kinh phí hoạt động, lâu nay vẫn tồn tại cơ chế xin – cho, kinh phí nhiều hay ít đôi khi phụ thuộc ngay vào vị thế người đứng đầu cơ quan mặt trận có uy tín nhiều hay ít, có tham gia cấp ủy hay không tham gia cấp ủy.

So với các giai đoạn cách mạng trước đây, nhìn chung bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cơ sở hiện nay là tương đối hoàn chỉnh và có đủ điều kiện, phương tiện để làm việc, không ít nơi là hiện đại. Có thể nói, đây là một điều kiện rất thuận lợi cho công tác vận động cách mạng đối với quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên hết mình với công việc, gần gũi, tận tụy với nhân dân, chăm lo cho nhân dân vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang ngày một xa cách nhân dân và công tác mặt trận cũng như công tác dân vận vẫn là lĩnh vực xa lạ với họ.

Biểu hiện của sự xa cách trên diễn ra trong cả suy nghĩ lẫn việc làm của cán bộ, đảng viên. Có không ít cán bộ, đảng viên công tác ở các cơ quan đảng, nhà nước từ trong nhận thức vẫn xem công tác mặt trận là của riêng cán bộ mặt trận. ở đây dù là vô tình hay hữu ý, những cán bộ, đảng viên này đã quên mất bổn phận của mình là bên cạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ; để làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ họ còn có trách nhiệm phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, góp phần “nâng cao dân chúng”, cũng tức là làm công tác mặt trận, công tác dân vận.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây, để làm cách mạng thì dù là cán bộ đảng, chính quyền hay mặt trận, đoàn thể ngoài sự phối hợp thống nhất với nhau trên cơ sở đường lối của Đảng, để hoạt động được họ còn phải bám dựa vào dân, cùng ăn, cùng ở với dân, qua đó mà được nhân dân nuôi giấu bảo vệ. Ngày nay, tiếc rằng thói quen cũng như phong cách làm việc, công tác của cán bộ, đảng viên như nói trên đã không còn nữa. Mỗi khi có công việc phải đến với dân thì không ít cán bộ, đảng viên hiện nay chỉ chú ý đến phận sự chuyên môn của mình, ít quan tâm đến công tác mặt trận, công tác dân vận, họ chỉ muốn cho chóng xong việc để trở về. Đó là chưa kể có cán bộ khi xuống với dân còn hạch sách, vòi vĩnh, quấy nhiễu để nhân dân phải tổ chức tiếp đón, ăn uống linh đình, khi về còn phải lo quà cáp…

Nhiệm vụ của các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị hiện nay bất luận làm công việc gì cũng là để phụng sự nhân dân. Không chỉ cán bộ mặt trận mà cả cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể đều phải làm công tác mặt trận, công tác dân vận ngay trên lĩnh vực, cương vị công tác mà mình được giao phụ trách. Đây cũng chính là một tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, đoàn thể đánh giá cán bộ, đảng viên của mình.

READ:  Dựa trên cơ sở nào để khẳng định đến năm 1930, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được hình thành về cơ bản?

Để góp thêm tiếng nói nhằm đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường hơn nữa ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân, với công tác mặt trận, công tác dân vận, thiết nghĩ:

Công tác mặt trận không chỉ là nhiệm vụ riêng của cán bộ chuyên trách Mặt trận, mà còn là nhiệm vụ chung của mọi cán bộ, đảng viên.

Thứ nhất, mỗi cấp ủy, tổ chức chính quyền, mặt trận, các đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, bất kể là cán bộ đảng, chính quyền, mặt trận hay đoàn thể đều có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò công tác mặt trận, công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay. Đây chính là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên tự xác định trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện công tác mặt trận, công tác dân vận tùy theo lĩnh vực công tác chuyên môn mà mình được phân công đảm nhận.

Thứ hai, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên làm công tác mặt trận, công tác dân vận cần được cụ thể hóa bằng những quy chế, quy định trong tổ chức bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể. Nó cũng cần được xem là một tiêu chí, là thước đo mỗi khi đánh giá thi đua khen thưởng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ.

Thứ ba, cán bộ đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cơ sở cần có sự “liên hiệp lãnh đạo” chặt chẽ với nhau để cùng làm công tác mặt trận, công tác dân vận. Để phát huy được vai trò, hiệu quả việc phối hợp làm công tác mặt trận, công tác dân vận cần xuất phát từ yêu cầu thực tế, từ công việc, từ phía quần chúng nhân dân mà đặt người và phân công công việc cho cụ thể, tránh lối lãnh đạo chung chung, lãnh đạo nhưng không chịu trách nhiệm.

Thứ tư, cán bộ, đảng viên dù công tác trong các cơ quan đảng hay chính quyền, mặt trận, đoàn thể đều phải nêu cao tinh thần phụ trách trước dân. Có nêu cao tinh thần phụ trách trước dân mới gần dân, sát dân. Có gần dân, sát dân mới tin vào khả năng và lực lượng nơi dân, mới khắc phục được các thói hư, tật xấu như: mệnh lệnh, chủ quan, tham ô, lãng phí…

Thứ năm, cán bộ, đảng viên muốn làm tốt công tác mặt trận, công tác dân vận thì trước hết bản thân phải nêu gương sáng mực thước về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, năng lực công tác và học tập. Cán bộ, đảng viên có chức quyền càng cao càng phải nêu gương trước, càng phải tiên phong gương mẫu cho cán bộ cấp dưới và quần chúng noi theo. Cần nghiêm túc thực hiện cho bằng được lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì ta phải hết sức tránh.