1 – Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương ký Hiệp định Pari năm 1973 vì
a. Hoàn cảnh lịch sử
– Tình hình trong nước
+ ở miền Nam: Quân và dân ta đánh bại những cuộc phản kích của không quân và hải quân Mỹ ở Bình Trị Thiên , bắc Bình Định, Tây Nguyên Bình Long. Đặc biệt là mặt trận Quảng Trị diễn ra ác liệt kéo dài 5 tháng liền. Các mặt trận khác ở Nam Bộ, trung Bắc Bộ đều phối hợp tiến công mạnh mẽ, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế bao vây uy hiếp Sài Gòn.
+ ở miền Bắc: Để cứu vãn nguy cơ đổ vỡ của chiến lược “ Việt Nam hoá chiến tranh”, ngày 6-4-1972 Ních xơn quyết định huy động lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ chi viện trực tiếp cho quân nguỵ Sài Gòn và đánh phá trở lại miền Bắc. Sau khi tái cử, Tổng thống Ních xơn ra lệnh cho một lực lượng không quân rất lớn ném bom có tính huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Trong 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội đã chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không và cùng quân dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111.
– Tình hình thế giới.
+ Ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních xơn buộc phải tuyên bố kết thúc cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng vào ngày 15-1-1973, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng mọi hoạt động tiến công bao gồm ném bom bắn phá và thả mìn phong toả miền Bắc Việt Nam, Mỹ buộc phải trở lại đàm phán ở Hội nghị Pari về Việt Nam và Đông Dương.
Xu thế của thời đại đang chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Sự hội nhập, đan xen và chấp nhận phụ thuộc lẫn nhau đang là xu thế của thế giới. Trong lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam lại là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, ác liệt nhất do đế quốc Mỹ tiến hành đang bị nhân dân thế giới , kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ phản đối mạnh mẽ.
b. Quan điểm, chủ trương của Đảng.
– Xuất phát từ đường lối chiến tranh nhân dân, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, thực hiện đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao.
– Thực hiện đúng Di chúc của Hồ Chí Minh là “đánh cho Mỹ cút”.
– Truyền thống của dân tộc Việt Nam là yêu chuộng hoà bình. Việc tiến hành cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm là nhằm đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù.
– Chủ trương của Đảng ký Hiệp định Pari là sự mở đường cho quân Mỹ rút quân trong danh dự. Đồng thời Đảng ta ký Hiệp định Pari là đã loại được một kẻ thù mạnh nhất của thế kỷ XX cả về tiềm lực kinh tế và quốc phòng.
– Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam với những điều khoản đảm bảo yêu cầu cơ bản của ta:
+ Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
+ Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
+ Các bên để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do.
+ Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.
+ Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và thường dân bị bắt.
– Ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập tại Pari, gồm đại biểu các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, bốn bên tham gia ký Hiệp định và bốn nước trong Uỷ ban giám sát và kiểm soát quốc tế: Ba Lan, Cannada, Hungari, Inđônêxia, cùng với sự có mặt của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tất cả các nước tham dự Hội nghị đã ký vào biên bản Định ước công nhận về mặt pháp lý quốc tế Hiệp định Pari về Việt Nam và bảo đảm cho Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh.
2 – ý nghĩa lịch sử
– Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh , lập lại hoà bình ở Việt Nam buộc đế quốc Mỹ phải cuốn cờ rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 29-3-1973. Đó là thắng lợi hết sức to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta. Đó là một thắng lợi to lớn của Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc ta đã chiến thắng một tên đế quốc đầu sỏ, một tên sen đầm quốc tế mạnh nhất của thế kỷ XX cả về tiềm lực kinh tế và quốc phòng.
– Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 (khoá III) của Trung ương Đảng khẳng định: Hiệp định Pari đánh giấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Nó phản ánh sự so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng trên chiến trường Việt Nam và thế giới. Dân tộc ta đã đuổi được quân viễn chinh Mỹ và chư hầu gồm trên nửa triệu quân ra khỏi nước ta, chấm dứt sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài từ hơn một trăm năm, trong khi đó, lực lượng cách mạng miền Nam mạnh lên rất nhiều và đang trên đà phát triển mạnh mẽ , vững chắc không một thế lực phản động nào có thể ngăn cản nổi.