Những năm gần đây, nhận thức về vai trò của văn hóa ở nước ta được nâng lên đúng với giá trị đích thực của nó. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương khóa VII đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển của một dân tộc, là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, với xã hội và với thiên nhiên. Nó vừa là một động lực thúc đẩy vừa là một mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của chúng ta.
Cũng vì thế, việc giữ gìn, phát huy và chấn hưng văn hóa dân tộc được đặt ra một cách cấp bách, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều giới.
Giữa tháng 12 năm 1994, Hội nghị lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về Thập kỉ Quốc tế phát triển văn hóa của Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh làm chủ tịch đã họp. Hội nghị tập trung thảo luận chủ đề: Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Hội nghị này đã có nhiều kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, trong đó có kiến nghị: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giảng dạy ớ các trường học nội dung bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, giáo dục cho thanh niên và học sinh về giá trị của văn hóa dân tộc và di sản văn hóa Việt Nam, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ di sản văn hóa”. Ngày 10 tháng 1 năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí công văn số 173/VP về việc tăng cường giáo dục các giá trị văn hóa dân tộc và di sản văn hóa Việt Nam, yêu cầu các cơ quan chuẩn bị hệ thống gíao trình, đưa môn Văn hóa học và cơ sở văn hóa Việt Nam vào chương trình đại học, cao đẳng, để phục vụ việc học tập của sinh viên.
Nhận trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi biên soạn giáo trình môn Cơ sở văn hóa Việt Nam.
Khoa Văn hóa học nói chung và môn Cơ sở văn hóa Việt Nam nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong nhà trường mà còn ở ngoài xã hội. Tuy thế, với nhà trường đại học và cao đẳng, Văn hóa học lại là môn học còn rất mới mẻ. Hiện tại, còn có nhiều cách hiểu khác nhau về lịch sử và đặc điểm văn hóa Việt Nam, cũng như còn nhiều cách hiểu, cách trình bày về môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng, cần trình bày cho sinh viên hiểu cả hai mặt lịch đại và đồng đại của văn hóa Việt Nam lẫn những đặc điểm về cả những kiến thức cơ bản về môn Văn hóa học.
Sau lần xuất bản đầu tiên, phục vụ cho hội nghị tập huấn về bộ môn Văn hóa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các đồng nghiệp, các thày giáo, cô giáo và bạn đọc các nơi (như PGS,. TS Nguyễn Xuân Kính, TS Nguyễn Thị Minh Thái, ông Nguyễn Hòa, ông Lê Đình Bích, ông Trần Mạnh Hảo trên tạp chí Văn hóa dân gian, Tập san Kiến thức ngày nay, báo Thể thao và văn hóa, báo Văn nghệ). Chúng tôi xin tỏ lòng cảm ơn. Ở lần xuất bản này, chúng tôi đã sửa chữa và bổ sung cho hoàn thiện hơn trên cơ sở các ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng để có cuốn giáo trình về Văn hóa học hoàn chỉnh, bản thân các tác giả còn phải nghiên cứu nhiều và cần có thêm nhiều ý kiến thảo luận, góp ý của độc giả. Vì vậy, rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc góp ý, phê bình để cuốn sách ngày một tốt hơn.
Với hi vọng môn Văn hóa học và Cơ sở văn hóa Việt Nam sẽ được khẳng định vị thế, như nó vốn cần có, chúng tôi mong rằng giáo trình sơ thảo này sẽ đóng góp tích cực vào việc giảng dạy và học tập trong các trường đại học và cao đẳng.
Hà Nội, tháng 8 – 1998
Chủ biên TRẦN QUỐC VƯỢNG
[embeddoc url=”https://aokieudep.com/wp-content/uploads/2018/08/CoSoVanHoaVietNam.docx” viewer=”microsoft”]