Kinh tế:
+ Nông nghiệp: công cuộc khai khẩn đất hoang, thành lập làng xã được mở rộng, đê điều được củng cố. Các vương hầu, quý tộc chiêu tập dân nghèo đi khai hoang lập điền trang. Nhà Trần ban thái ấp cho quý tộc, đặt chức Hà đê sứ để trông coi việc đắp đê. Nhờ vậy nông nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển.
+ Thủ công nghiệp: do nhà nước trực tiếp quản lí, rất phát triển và mở rộng nhiều ngành nghề: làm đồ gốm, dệt vải, đúc đồng, rèn sắt, chế tạo vũ khí, đóng thuyền đi biển…
+ Thương nghiệp: chợ mọc lên ngày càng nhiều ở các làng xã. Ở kinh thành Thăng Long, bên cạnh Hoàng thành, đã có 61 phường. Buôn bán với nước ngoài cũng phát triển, nhất là ở cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).
Văn hóa:
+ Tín ngưỡng cổ truyền được duy trì và có phần phát triển hơn như tục thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc…
+ Đạo Phật tuy vẫn phát triển nhưng không bằng thời Lý. Nho giáo ngày càng phát triển, có địa vị cao và được trọng dụng.
+ Các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian: ca hát, nhảy múa, hát chèo, các trò chơi… vẫn được duy trì, phát triển.
+ Nền văn học (bao gồm cả chữ Hán, chữ Nôm) phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, chứa đựng sâu sắc lòng yêu nước, tự hào dân tộc phát triển rất mạnh ở thời Trần, làm rạng rỡ cho nền văn hóa Đại Việt như: Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn, Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu…
Giáo dục và khoa học – kĩ thuật:
+ Quốc tử giám được mở rộng, các lộ, phủ đều có trường học, các kì thi được tổ chức ngày càng nhiều.
+ Năm 1272, tác phẩm Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu ra đời. Y học có Tuệ Tĩnh là thầy thuốc nổi tiếng.
+ Về khoa học, Hồ Nguyên Trừng và các thợ thủ công chế tạo được súng thần công và đóng các loại thuyền lớn.
Nghệ thuật:
+ Kiến trúc điêu khắc thời Trần không huy hoàng như thời Lý nhưng cũng có những công trình quan trọng như tháp mộ của vua Trần Nhân Tông trước chùa Phổ Minh ở Tức Mặc (Nam Định) xây năm 1310, thành Tây Đô ở Thanh Hóa (1397).
+ Âm nhạc thời Trần có chịu ảnh hưởng của Cham-pa. Chiếc trống cơm rất thịnh hành thời ấy nguyên là nhạc khí của Cham-pa. Đó là loại da dán hai đầu bằng cơm nghiền, được dùng để hòa cùng với dàn nhạc trong các dịp lễ Tết.
+ Hát chèo đã manh nha từ thời này và tiếp tục phát triển.