Lời điếu văn cho một Cựu chiến binh CCB

Kính thưa các vị đại biểu đại diện cho Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội.

Kính thưa Ban tang lễ.

Kính thưa các cụ, các ông, các bà họ hàng nội, ngoại gần xa, các gia đình thông gia, bạn bè thân hữu.

Thưa toàn thể bà con hàng xóm, láng giềng, làng trên xóm dưới.

Anh tôi – Ông Trần Văn Đoàn sinh năm 1942 sau một thời gian bệnh trọng đã được gia đình, các y bác sỹ tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng không qua khỏi, đã từ trần hồi 3 giờ 20 phút ngày 27/6/2011 hưởng thọ 69 tuổi.

Anh tôi mất đi để lại niềm đau thương vô hạn cho gia đình chúng tôi. Trong lúc đau buồn này – Sự có mặt, động viên, chia sẻ của các vị đại biểu đại diện cho Đảng, chính quyền, toàn thể họ hàng nội ngoại các gia đình thông gia, bạn bè thân hữu cũng như toàn thể bà con hàng xóm là niềm an ủi lớn cho gia đình chúng tôi.

Thay mặt cho gia đình – Tôi xin chân thành cám ơn các vị đại biểu cùng toàn thể bà con nhân dân.

Sau khi đưa Anh tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi trân trọng kính mời các vị đại biểu, các cụ các ông các bà cùng toàn thể bà con nhân dân về gia đình chúng tôi ăn trầu uống nước để chia sẻ cùng gia đình chúng tôi.

Trong lúc tang gia bối rối còn điều gì sơ xuất xin được lượng thứ.

Xin chân thành cám ơn


Điếu văn khi truy điệu

– Kính thưa: Hương hồn Cụ Trần Văn Đoàn

– Kính thưa: Các vị đại biểu đại diện cho Đảng, chính quyền, các ban ngành và tổ chức đoàn thể.

– Kính thưa: Ban tang lễ và gia đình tang chủ.

– Kính thưa: Các cụ, các ông, các bà họ hàng nội ngoại, thân bằng cố hữu, bà con hàng xóm, láng giềng làng trên, xóm dưới.

– Thưa toàn thể bà con nhân dân.

Hôm nay, trong giờ phút buồn đau và thương xót này, chúng ta tập trung tại đây để vĩnh biệt một con người – Cụ Trần Văn Đoàn.

Cụ Trần Văn Đoàn sinh năm 1942 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn An Đà – Xã An Tiến – Huyện Mỹ Đức – Thành phố Hà Nội.

Cũng như bao nhiêu con em của các gia đình nông dân nghèo khó khác, tuổi thơ của cụ phải sống cùng gia đình trong cảnh của người dân mất nước – Một cổ hai tròng – Cuộc sống cùng cực, mất tự do. Sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 – Dân tộc Việt Nam thoát khỏi vũng bùn nô lệ. Cụ được gia đình cho đi học dưới mái trường của nước Việt Nam độc lập, được giáo dục tinh thần yêu nước – Ý chí kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm của con dân đất việt. Cụ lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bước vào các cuộc kháng chiến thần thánh – Toàn quốc kháng chiến “ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ”. Thấu hiểu hơn ai hết cảnh người dân mất nước, nên khi đến tuổi trưởng thành – Theo tiếng gọi của Đảng, chính phủ cụ đã tình nguyện đăng ký và lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu năm 1963 – Khi mà chiến trường Miền Nam bắt đầu bước vào thời kỳ ác liệt.

READ:  Điếu văn khóc cha

Suốt 7 năm chiến đấu ở nhiều mặt trận trên chiến trường Miền Nam. Cụ luôn luôn gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu, sống hòa nhã, khiêm nhường, đoàn kết chia xẻ mọi khó khăn ác liệt của cuộc chiến tranh cùng đồng đội.

Với lòng yêu nước tha thiết, tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của người lính. Cụ đã vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngay tại chiến trường Miền Nam.

Nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, mưu trí dũng cảm qua mỗi trận đánh cụ đã được phong quân hàm thiếu úy và giữ chức vụ Đại đội phó chính trị.

Để ghi nhận lòng kiên trung, tinh thần tận tuỵ, và những đóng góp của cụ với Cách mạng, với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đảng, nhà nước và Quân đội đã tặng cụ nhiều Bằng, Giấy khen, Kỉ niệm chương, 2 Huân chương chiến sỹ giải phóng, 1 Huân chương chống Mỹ cứu nước.

Kính thưa hương hồn Cụ Trần Văn Đoàn!

Công lao đóng góp của cụ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được Đảng, Nhà nước, Chính quyền, đoàn thể các cấp ghi nhận, tuyên dương. Nhưng cái lớn nhất của ông để lại là tấm gương về lòng trung thành, tính gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu, tính khiêm tốn, ham học, thương người và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn về mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đồng đội của cụ hôm nay vẫn nhớ và kể về cụ những chuyện khắc phục khó khăn, gian khó trong những ngày ở mặt trận phía nam đầy cam go, ác liệt.

Kính thưa các vị đại biểu.

Thưa toàn thể bà con nhân dân !

Người xưa từng nói: ” Trên nối nghiệp tổ tiên truyền lại, Dưới nêu gương con cháu noi theo “. Năm 1970 cụ được phục viên trở về địa phương. Cụ đã hoàn thành nghĩa vụ cao cả của người thanh niên khi Tổ quốc cần, làm tròn nhiệm vụ của người con trai đối với đất nước lúc có chiến tranh vệ quốc.

Trở về sau chiến tranh, cụ đã làm tròn bổn phận của người con trai lớn trong gia đình, giúp đỡ bố mẹ và các em trong lúc đất nước khó khăn. Rồi cụ kết hôn cùng cụ bà và sinh hạ được tất cả 7 người con, một trai, sáu gái. Cuộc đời cụ và người vợ thảo hiền tần tảo nuôi dạy các con nhưng vẫn giữ được nếp nhà, và đặc biệt hơn cụ đã sống đúng với tinh thần người lính trở về sau chiến tranh – Luôn thực thà, chất phát, chịu thương, chịu khó, suốt đời hy sinh bản thân mình để dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Luôn hòa đồng, nhiệt tình cùng bà con lối xóm. Trong những năm gần đây cụ thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội người cao tuổi, Chi hội cựu chiến binh và luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ của thành viên trong các tổ chức.

READ:  Điếu văn chia buồn - đơn giản ngắn gọn

Gốc rễ bền sinh cành rợp bóng, nguồn rộng sâu tạo dòng chảy không ngừng. Đến nay các con của cụ đều lập gia đình và là những công dân tốt. Cụ đã có 15 cháu nội, ngoại. Nối tiếp truyền thống cha ông, các con, cháu đều là những con ngoan, trò giỏi.

Nhưng bệnh trọng đã không cho cụ được chứng kiến tiếp những đổi thay chắc sẽ còn to lớn hơn. Vào lúc 3 giờ 20 phút ngày 27 tháng 6 năm 2011 tức là ngày 26 tháng 5 năm Tân Mão, trái tim cụ ngừng đập sau một cơn đau đột ngột tại quê nhà nơi trong vòng tay yêu thương, kính trọng và đau nhớ của cháu con, họ mạc. Cụ hưởng thọ 69 tuổi.

 Kính thưa hương hồn Cụ Trần Văn Đoàn!

Trong giờ phút biệt ly, cụ về âm giới mãi xa xăm, chúng tôi trên dương trần luôn tưởng nhớ.

Than ôi !

Đất phủ màu tang

Trời nghiêng bóng xế.

Thân trần tục sắc không, không sắc, xót bấy bạch câu

Mảnh hình hài sinh tử, tử sinh buồn thay phù thế

Giận hóa công gây bấy tang thương

Trách con tạo bày chi định lệ

Tình Phụ tử nghìn thu vĩnh biệt, đàn cháu Con đây xót thương ông

Cảnh âm dương đôi ngã chia lìa, Dâu Rể  ngậm ngùi thương xót cha

Đồng tộc thương nhánh lìa cành, Âm dương cách biệt !

Từ nay: Phu – Thê âm dương cách biệt, các con đau một nỗi – Nghĩa sớm hôm ấp lạnh quạt nồng, Tơ tóc những hiềm chưa báo trả. Ơn nuôi nấng áo dầy cơm nặng, Biển trời khôn xiết mấy công lao.

Còn đâu tình chồng nghĩa vợ duyên ước hẹn

Còn đâu mỗi buổi sớm mai cha con xum họp

Còn đâu lúc dảnh dỗi ông cháu vui vầy

Đã đành Sinh kí, tử quy – Sao nay sinh tử biệt ly đau buồn

Kính thưa hương hồn Cụ Trần Văn Đoàn!

Trước lúc tiễn biệt cụ, cán bộ,  nhân dân thôn An Đà, đồng đội, họ hàng nội ngoại, thân bằng cố hữu cùng con cháu cụ xin hứa sẽ tiếp tục phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp xứng với những gì thế hệ cha ông của các cụ đã giành cả xương máu của mình để giành được cuộc sống độc lập tự do hôm nay.

Trước lúc di quan, để tỏ lòng tiếc thương trong giờ truy điệu, đề nghị một phút mặc niệm !

Ba thước đất ngàn thu vĩnh biệt

Chín tầng mây muôn thuở tiêu giao

Rồi xe tang đưa về chốn cửu tuyền, trầm tỏa ngát, hương bay xa, xót phần mộ yên nằm nơi lặng lẽ

“ Thôi còn chi nữa mà mong,

Đời người thôi thế là xong một đời! ”.

Vĩnh biệt cụ – Cầu chúc vong linh cụ được siêu sinh, thoát hóa, siêu sinh tịnh độ nơi cõi vĩnh hằng

Xin vĩnh biệt cụ! Xin vĩnh biệt cụ! Xin vĩnh biệt cụ!