Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Cơ sở lịch sử – thực tiễn nào để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Cho đến thế kỷ XVII, 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là các đảo vô chủ. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã tổ chức “Đội Hoàng Sa” hàng năm ra Hoàng Sa thu lượm hải vật, đánh bắt hải sản, đo vẽ, trồng cây và dựng mốc trên đảo, đến nửa đầu thế kỷ XVIII, tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” ra Trường Sa làm nhiệm vụ như “Đội Hoàng Sa”.

Liên tục từ đó, Việt Nam đã có nhiều hoạt động củng cố chủ quyền trên 2 quần đảo như: Năm 1925 duy trì tuần tra trên đảo, đưa quân đội trú đóng; năm 1933 – 1938, thành lập đơn vị hành chính, đặt cột mốc, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện; lên tiếng phản đối các nước nêu yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa; năm 1951, khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị San Francisco mà không gặp phải ý kiến phản đối nào; năm 1956 quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy và năm 1961, chuyển quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên về tỉnh Quảng Nam quản lý; năm 1977 tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; năm 1982 thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; năm 1994 tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, năm 2003, ban hành Luật Biên giới quốc gia, tháng 4 năm 2007 thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa. Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa… Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

READ:  Vị trí vai trò của biển Đông như thế nào?

Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu hòa bình, quản lý liên tục, phù hợp với các quy định của luật pháp Quốc tế đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam vào ngày 21 tháng 6 năm 2012.