Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912, tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cha là một ông Tú nghèo sống nhờ vợ tần tảo buôn bán. Bẩy tuổi cha mất, mẹ gửi ra Hải Phòng ở với gia đình người chị, học tiểu học ở trường Bonnal. Năm 1932, 20 tuổi, đậu bằng thành chung và cũng bắt đầu học chữ Hán. Sau ba năm vất vả tìm việc, đến 1935 thi đậu vào ngạch thư ký nhà đoan (cơ quan hải quan- tiếng Pháp: customs office). Năm 1939, cưới vợ con quan. Song song với đời sống công chức nhà đoan, Nguyễn Huy Tưởng có một sinh hoạt nội tâm phong phú, rất giàu cung bậc của người trí thức: chăm đọc sách, chịu khó tìm ý tưởng, hàng ngày viết nhật ký.
Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng. Năm 1935 ông làm thư ký nhà Đoan (Thuế quan) ở Hải Phòng, sau đó quay về Hà Nội. Năm 1938 ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh ở Hải Phòng. Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng. Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên.
Tháng 6 1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc. Tháng 8 năm đó, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Ông còn là đại biểu văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong. Tiếp đó ông giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc.
Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Tháng 4 năm đó, vở kịch Bắc Sơn của ông được công diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội đem lại thành công lớn. Tháng 7, ông được bầu là Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ông tổ chức và đưa Đoàn văn hóa kháng chiến lên Việt Bắc. Tiếp tục hoạt động văn hóa, ông là ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, thư ký toà soạn Tạp chí Văn nghệ và tham gia tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng.
Năm 1951, ông tham gia chiến dịch biên giới. Trong hai năm 1953, 1954 ông công tác giảm tô trong cải cách ruộng đất. Sau hòa bình 1954, ông làm Uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1. Ông là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25 tháng 7 năm 1960 tại Hà Nội. Năm 1995, Hội Đồng Nhân Dân thành phố Hà Nội đã đặt tên cho một đường phố của thủ đô là đường Nguyễn Huy Tưởng. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị về văn chương và lịch sử như: Tiểu thuyết có Đêm hội Long Trì, (1942), An Tư công chúa (1944), Truyện Anh Lục (1955), Bốn năm sau (1959), Sống mãi với Thủ đô (1960)…; Kịch gồm có: Vũ Như Tô (1943). Cột đồng Mã Viện (1944), Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948), Anh Sơ đầu quân (tập kịch- 1949), Lũy hoa (1960)…; Truyện ký có: Ký sự Cao Lạng (1951), Chiến sĩ ca nô…; Truyện thiếu nhi: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, Thằng Quấy, Con cóc là cậu ông giời, An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Cô bé gan dạ… và một tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, dày 1.700 trang.
Với khoảng hơn hai năm cầm bút mà Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm khá lớn, những nghĩ văn nhân Việt không có mấy người được như ông. Ấy là chỉ nói về khía cạnh số lượng tác phẩm, còn về giá trị chẳng ai có thể tiên định được.
Tôi thực sự chia sẻ với nhận định của nhà nghiên cứu- phê bình văn học, Tiến sĩ Nguyên An khi ông cho rằng: Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử- truyền thống sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng nể như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Bút Ngữ, Hà Ân, Nguyễn Quang Thân… Cũng theo Nguyên An, Nguyễn Huy Tưởng đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam.
Một số người cho rằng Nguyễn Huy Tưởng là người viết sử bằng văn. Riêng tôi lại nghĩ ngược lại, có lẽ ông đã viết văn bằng sử thì mới đúng. Bởi lẽ ở nhiều vở kịch, tiểu thuyết, bút ký, nhật ký… và đặc biệt là ở các vở kịch như Vũ Như Tô, Bắc Sơn, tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, Sống mãi với Thủ đô… được coi là những dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của ông. Ở đấy chất văn và chất sử hòa quyện làm một, chẳng thể nào phân định rạch ròi được. Văn vì thế mà thăm thẳm sâu. Sử vì thế mà vời vợi cao. Những vấn đề mà ông đặt ra trong tác phẩm của mình cứ mãi xoáy sâu vào tâm thức người đời và sẽ còn vang vọng mãi tới xa sau.
Tuy khởi nghiệp từ văn chương, nhưng từ sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Huy Tưởng dường như vừa làm văn, vừa làm báo và làm lãnh đạo văn nghệ kháng chiến. Ngoài công tác tổ chức của Hội Văn hóa cứu quốc mà ông là thành viên chủ chốt, biên tập các báo Cờ giải phóng, Tiên phong, ông còn để lại tập bút ký Ký sự Cao Lạng, mang đậm chất báo chí. Trong nhật ký cá nhân, hai tác phẩm gồm vở kịch Vũ Như Tô và tập bút ký Ký sự Cao Lạng là ông tâm đắc nhất. Kịch Vũ Như Tô là một sáng tác văn chương từ đề tài lịch sử, còn Ký sự Cao Lạng gồm những tác phẩm báo chí. Hai tác phẩm một trước, một sau Cách mạng tháng Tám, đều vừa đem đến cho người đọc những thú vị bất ngờ của một nhà văn tài hoa, vừa hé lộ một nhân cách cao thượng mang tên Nguyễn Huy Tưởng.
Có lẽ ông là người hiếm hoi trong số những người cùng thời phân biệt rạch ròi giữa con người công dân và con người nghệ sĩ. Với tư cách là người nghệ sĩ chân chính, Nguyễn Huy Tưởng dường như dốc hết tâm trí vào nhân vật Vũ Như Tô, trong vở kịch cùng tên. Trong lời đề từ tác phẩm của mình, nhà văn đã hai lần nhắc lại một câu hỏi nhức nhối tâm can người đời cho đến tận bây giờ: Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ðài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời nguyên là giống Angkor! Bởi lẽ ông quan niệm về nghề văn hết sức nghiêm túc: Một nghề nghiệp cao quý biết bao là nghề viết văn. Đưa lại cho đời một bó đuốc không to thì nhỏ. Có nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là con người một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo?”. (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ghi ngày 16/6/1956).
Theo ông, văn cần phải bám chặt rễ vào lịch sử dân tộc. Có như thế văn mới tồn tại bền lâu. Ông từng viết: Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng. Quả là không sai, nhưng do những tư tưởng thủ cựu và cơ hội thời bấy giờ mà tuyên bố nổi tiếng trên của Nguyễn Huy Tưởng đã có lúc làm ông lao đao, khốn khổ. Vũ Như Tô gắn cuộc đời mình với Cửu Trùng Đài, còn Nguyễn Huy Tưởng lại gắn đời mình với những trang văn về truyền thống lịch sử của dân tộc. Như vậy có thể nói ông viết văn bằng vốn hiểu biết sâu rộng về lịch sử.
Một số nhà nghiên cứu từng đánh giá Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên một nhân vật lịch sử ấn tượng nhất chính là Vũ Như Tô. Thậm chí có không ít người còn cho rằng Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tạo ra một bi kịch thực thụ sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine- mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đã dành trọn đời để sáng tác về các đề tài lịch sử, kháng chiến, về thủ đô Hà Nội, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nói đến mảng văn chương viết cho tuổi thơ như: Tìm mẹ, Thằng Quấy, Cô bé gan dạ, Chiến sĩ ca nô… đặc biệt là những truyện lịch sử như: An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… đã góp phần không nhỏ làm nên một văn hiệu thực sự đáng kính trọng mang tên ông.
Sinh thời ông ý thức một cách rõ ràng về thiên chức của người nghệ sĩ với quan niệm tiến bộ, rất nhân văn: Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên… cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng, bột bột, mà vẫn biết lẽ phải, và biết thương nhau.
Vì thế ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc được ít lâu, với tư cách là người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng (1957), Nguyễn Huy Tưởng đã góp phần quan trọng đặt nền móng, mở ra một tương lai tốt đẹp cho văn chương tuổi thơ, khi ấy hiện là một mảng đề tài còn nhiều khoảng trống, thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao. Những truyện viết về mảng đề tài này của Nguyễn Huy Tưởng không chỉ đa dạng, phong phú về đề tài, bút pháp thể hiện, mà hơn nữa là lòng yêu nước thiết tha, niềm tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, là tình nghĩa thủy chung, khát khao hạnh phúc, tin tưởng vào sự chiến thắng của chính nghĩa. Có thể nói đây là ấn tượng bao trùm, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các truyện của ông viết cho thiếu nhi.
Ở mảng đề tài lịch sử trong các truyện viết cho thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng đã hướng các em vào những thời kỳ hào hùng, trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mà ở đấy những người anh hùng đã viết nên những bản anh hùng ca chói lọi. Dù đấy là những câu chuyện kể về những người anh hùng thời kỳ trung cận đại như: Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, hay là thời kỳ cổ đại như: Chuyện Chiếc bánh chưng, An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện vua Quang Trung… nhưng tất cả hiện vẫn không thể nào phai mời trong ký ức của người dân đất Việt.
Cũng như mảng truyện viết cho người lớn, mảng viết cho thiếu nhi về lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không quá lệ thuộc vào các những sự kiện đã được ghi chép trong các sách biên niên sử, mà ông biết cách nảy ra trong vô vàn những chi tiết, sự kiện lịch sử được cho là có thật ấy, những tình huống, câu chuyện đặc sắc ấy rồi thổi vào đấy những cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của trẻ thơ, gợi mở cho các em nhiều điều thú vị nhằm giúp các em tiếp cận một cách dễ dàng lịch sử, hiểu lịch sử để từ đó thêm yêu, thêm quí truyền thống hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Nhà văn Tô Hoài, một người có nhiều thành công và kinh nghiệm viết truyện thiếu nhi thuộc hạng nhất nhì, đặc biệt là truyện Dế mèn phiêu lưu ký, đã từng nhận định: Trong văn học cho thiếu nhi của ta, kể chuyện lịch sử và cổ tích, cho đến bây giờ, chưa ai chuyên và đã thành công như Nguyễn Huy Tưởng.
Cho dù ở mảng đề tài nào: người tốt, việc tốt, lịch sử hay cổ tích, Nguyễn Huy Tưởng cũng đem đến cho các em niềm thích thú, say mê đến kỳ lạ bằng một giọng kể chuyện vừa giản dị, chân thành, gần gũi với cuộc sống thường ngày của các em, phù hợp với tâm tư, suy nghĩ của trẻ thơ. Từ đấy ông đã nhen nhóm và truyền cho các em lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước. Đấy chính là nét nổi bật nhất của nhà văn tài hoa này.
Trong số các sáng tác cho thiếu nhi, Cô bé gan dạ là một truyện mới được phát hiện, in trong tủ sách Hoa Xuân được Nguyễn Huy Tưởng viết vào thời kỳ trước cách mạng tháng Tám khi ông tham gia phong trào Hướng đạo sinh. Đây là truyện mà nhà văn rất thích thú, dùng để đọc cho các em thuộc diện cá biệt khi ông đang là huynh trưởng của phong trào. Bằng tài quan sát, miêu tả, ngòi bút tài hoa, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn độc đáo và khéo léo, Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện rõ cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa sự quang minh chính đại với những hủ tục lạc hậu. Qua câu chuyện, nhà văn đã phần nào bộc lộ được tài năng và nghệ thuật viết truyện bậc thầy cho thiếu nhi.
Có thể nói, trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng luôn đầy chất thơ của cuộc sống và chất chứa những bài ca hy vọng, những bài học về tình thương yêu những người thân, xóm giềng, cộng đồng và đồng loại. Phạm Hổ, một trong những nhà văn gạo cội chuyên viết truyện cho thiếu nhi đã có lý khi nhận xét: Trong câu văn của Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta không bao giờ thấy lộ ra bóng dáng của điều ác mặc dù anh có miêu tả kẻ ác với tất cả lòng căm ghét- nhưng căm ghét không có nghĩa là ác. Nói rõ hơn: điều ác không có ở trong lòng anh. Văn anh là yêu thương, là đầm ấm, là bao dung… Rõ ràng đọc Nguyễn Huy Tưởng, càng thấy yêu văn và càng thấy yêu người.
Tác phẩm Tiểu thuyết
Đêm hội Long Trì (1942)
An Tư công chúa (1944)
Truyện Anh Lục (1955)
Bốn năm sau (1959)
Sống mãi với Thủ Đô (1961)
Lá cờ thêu sáu chữ vàng về Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản
Tác phẩm Kịch
Vũ Như Tô (1943)
Cột đồng Mã Viện (1944)
Bắc Sơn (công diễn 6 tháng 4 1946)
Những người ở lại (1948)
Anh Sơ đầu quân (tập kịch, 1949)
Lũy hoa (1960)