Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Khải

Nguyễn Khải, tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải (3/12/1930 – 15/1/2008) là một nhà văn Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và là một gương mặt nổi bật của thế hệ nhà văn trưởng thành sau cách mạng tháng Tám 1945. Nguyễn Khải là đại biểu Quốc hội khóa VII; Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn VN khóa III. Ông có ba người con, hai trai một gái, trong đó người con trai út là Nguyễn Khải Hoàn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Khải Hoàn.

Tiểu sử

Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Hà Nội. Quê nội ở thành phố Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi. Đang học trung học thì gặp Cách mạng tháng Tám. Trong Kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Khải gia nhập tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Bắt đầu viết văn từ những năm 1950, được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột (phần I năm 1959, phần II năm 1962).

Sau năm 1975 Nguyễn Khải chuyển vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông rời quân đội năm 1988 với quân hàm đại tá để về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Khải từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 2, 3 và là Phó tổng thư ký khóa 3. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VII.

Nguyễn Khải mất ngày 15 tháng 1 năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh do bệnh tim.

Sự nghiệp

Chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Khải khá phong phú: về nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, về bộ đội trong những năm chiến tranh chống Mỹ, về những vấn đề xã hội-chính trị có tính thời sự và đời sống tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống.

Sáng tác của Nguyễn Khải thể hiện sự nhạy bén và cách khám phá riêng của nhà văn với các vấn đề xã hội, năng lực phân tích tâm lý sắc sảo, sức mạnh của lý trí tỉnh táo. Năm 1982, Nguyễn Khải nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Năm 2000, nhà văn được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật.

Tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải thường được trích dạy trong sách giáo khoa phổ thông môn Văn học nhiều năm qua. Có một lần, hồi còn ở bãi Phúc Xá, ông làm giúp con trai ông bài tập làm văn về nhà với đề bài yêu cầu phân tích tác phẩm “Mùa lạc” của chính ông. Ông bỏ ra cả một buổi tối làm bài nghị luận cho con. Khi trả bài, cô giáo cho con ông, hay đúng hơn là chính ông – tác giả của tác phẩm được phân tích điểm hai, với lời phê: “Dùng từ sai. Em không hiểu ý tác giả!”. Trong bộ sách giáo khoa Ngữ văn bộ mới (lớp 12), tác phẩm này được thay bằng Một người Hà Nội, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của ông.

Tác phẩm

Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (1985)… Tác phẩm tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003), mang giọng văn hồi ký về cuộc đời viết lách của ông.Tác phẩm cuối cùng của ông là tuỳ bút Đi tìm cái tôi đã mất (2006) ghi lại những trăn trở của Nguyễn Khải vào những năm cuối đời.

Quan điểm sáng tác

  • Một nhà văn phải có một hệ tư tưởng triết học riêng, có một thế giới quan riêng, từ đó anh ta sẽ xây dựng cái thế giới nghệ thuật của mình với một hệ thống nhân vật, tư tưởng, ngôn ngữ và cách kết cấu của riêng mình. Họ sẽ đi đến cùng trong cái thế giới nghệ thuật của mình, trong niềm tin không thay đổi của mình. Còn họ đúng hay sai, cái sự nghiệp văn chương của họ là tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc sự đánh giá của bạn đọc ở mỗi thời…
  • … Tôi chả có cái gì là riêng cả, tôi đâu có quyền tự do lựa chọn. Cái tôi đang có chỉ là một phần rất nhỏ của cái mọi người đều có. Mọi người đều bằng lòng với những cái đang có, đều cảm thấy đầy đủ với những cái đang có, chả lẽ tôi lại nói là tôi không bằng lòng. Vậy tôi muốn cái gì, muốn đi tới đâu, muốn xây dựng hay muốn phá hoại? Chính tôi cũng không thể tự trả lời được là tôi đang muốn cái gì – cũng do tuổi già nên tôi nhìn mọi sự không còn được sáng rõ như những năm còn trẻ. Nên tự nhủ, cái gì đã nhìn chưa rõ thì chớ có đặt bút viết. Sự cẩn thận ấy với tôi đã là một thói quen. Tôi là người của một thời mà. Thời thế cho tôi cũng nhiều mà lấy đi cũng không ít, có được có mất cũng là lẽ công bằng.
  • Văn chương do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất, ít bị ép buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có quyền yêu mình hoặc ghét mình , tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả. Người viết cứ viết người ghét cứ ghét kể cả cái quyền ném sách vào lửa. Cái mục đích “tải đạo”, “giáo dục” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là văn chương tồi. Vả lại chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng tâm sự thành thật của mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ trước rồi cho độc giả sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ, viết mà chơi thôi, viết để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với riêng mình. Chả trách ai cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không có vật cản nào nảy sinh trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc nhiên trôi vào tận những kẽ ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm kín của riêng ta, đọng lại trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới tinh thần của ta một cách vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó, gột rửa một vài thành kiến, thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách khoan khoái là chính tự ta đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào thời thượng nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc.
  • … phải bỏ hẳn những tư tưởng triết học và thế giới quan phù hợp với cách nghĩ, cách nhìn, cách đánh giá của riêng mình, đã được chứng minh qua những trải nghiệp của bản thân để nhập vào dòng tư tưởng chính thống, cái triết học chính thống, cách nhìn nhận và đánh giá chính thống, xét cho cùng chả liên quan bao nhiêu tới cái tâm sự đang ấp ủ, tới những điều cần phải viết, và trên hết, máu thịt hơn hết là những phát hiện độc đáo của riêng mình trong lịch sử, trong văn hoá, trong nhân sinh. Mất những cái đó thì còn sống tiếp làm gì, còn viết tiếp làm gì nên một số đã phải đổi nghề, bỏ nghề sáng tạo sang nghề cạo giấy, làm một anh công chức hiền lành, mẫu mực, vừa có quyền vừa có lợi. Cái danh cái lợi cũng có sức quyến rũ người ta lắm, qua nhiều năm tháng nó đã trở thành ý nghĩa quan trọng nhất để sống, sống với vợ con, với bạn bè, với xóm làng, với xã hội.
  • Nguyễn Khải là một cây bút trí tuệ, luôn luôn suy nghĩ sâu lắng về những vấn đề mà cuộc sống đặt ra và cố gắng tìm một lời giải đáp thuyết phục theo cách riêng của mình. Cho nên trong các tác phẩm của nhà văn, thông qua sự kiện xã hội, chính trị có tính thời sự nóng hổi, bao giờ cũng nổi lên những vấn đề khái quát có ý nghĩa triết học và đạo đức nhân sinh… (Phan Cự Đệ)
  • Ông đã là một trong những nhà văn dẫn đầu của thời đại. Sáng tác của ông luôn luôn đánh dấu những biến chuyển của xã hội. Với cuộc Cách mạng này, những năm tháng đấu tranh gian khổ này, tác phẩm của ông là một bằng chứng một tài liệu tham khảo thực sự. Và muốn hiểu con người thời đại, với tất cả những cái hay cái dở của họ, nhất là muốn hiểu cách nghĩ của họ, đời sống tinh thần của họ, phải đọc Nguyễn Khải…
    (Nguyễn Khải trong sự vận động của văn học cách mạng từ sau 1945, Vương Trí Nhàn)
  • Soi rọi thật sâu vào những tốt xấu, hay dở, mạnh yếu của các thế hệ trẻ và già trong cuộc sống hôm nay, Nguyễn Khải dường như muốn đề nghị một thái độ cảm thông và hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ để đi tìm một tiếng nói chung. Dẫu biết rằng, giờ đây “mục đích riêng” giữa các thế hệ đã không còn trùng hợp, nhưng họ vẫn còn gặp gỡ nhau trong một “mục tiêu chung -” – kéo một nước Việt nam từ trong đáy sâu của thời gian lên với ánh sáng của hôm nay, để được sống và nghĩ cùng ngày, cùng giờ với một nhân loại đang háo hức lao tới những mục tiêu của cuối thế kỷ. “Gừng già đâu đã phải thứ bỏ”, vả lại “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” đó là quy luật của muôn đời. Hãy viết tận dụng thế mạnh của mỗi lứa tuổi để làm giàu có thêm đời sống tinh thần của mỗi con người trong cuộc sống hôm nay. (Thế giới nhân vật Nguyễn Khải trong cảm hứng nghiên cứu phân tích, Đào Thủy Nguyên)
  • Tình cảm nhân đạo thể hiện trong chiều sâu của tác phẩm. Qua câu chuyện ông cũng muốn biểu hiện một triết lý về con người, con người phải có ý chí vượt qua những khó khăn, những chuyện đời không may mắn đến với mình. Khó khăn nào cũng chỉ là một ranh giới có thể vượt qua, và chắc chắn không phải là bức tường làm cho con người tuyệt vọng:
    “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
    (Mùa Lạc của Nguyễn Khải, Hà Minh Đức)
  • Thời gian của người ngả hẳn sang chất trang nghiêm thành kính, tác giả dồn tất cả công sức vào việc bàn về những việc lớn trong cuộc đời và đề cập tới những khu vực thiêng liêng cao cả vượt lên trên đời sống thông thường…
    Âm hưởng chính: Khẳng định quá khứ (Đọc Thời gian của người của Nguyễn Khải, Vương Trí Nhàn)
  • Nguyễn Khải viết hơn một thập kỷ nay đã làm chứng cho một ao ước chính đáng nơi ông là muốn đi tới những khái quát nhân sinh, nó là điểm tới xa hơn, sâu hơn so với các tác phẩm cũ. Trong các tác phẩm thuộc loại viết về sau này, cuộc đời hiện ra không phải như cái gì tác giả đã thuộc như lòng bàn tay, mà còn bao điều chính ông chưa biết và không rõ nên cắt nghĩa ra sao. Ông không ngại đi vào những nghịch cảnh, trớ trêu. Ông biết thông cảm với nỗi sợ, niềm đau. Ôg sẵn sàng dùng lại những chữ như số kiếp, thân phận…
    Trở lại cái thời lãng mạn (Một vài nhận xét về tiểu thuyết Thượng Đế thì cười, của nhà văn Nguyễn Khải, Vương Trí Nhàn)
  • Nhiều chiêm nghiệm – triết lý trong Thượng Đế thì cười đã tìm được sự sẻ chia, đồng cảm của người đọc. Chẳng hạn:
    “Hạnh phúc không thể chia bớt với ai khác, bất hạnh cũng thế, phúc ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu, mỗi người là một nấm mồ với niềm vui và nỗi đau của riêng họ”.
    “Cái sức mạnh ẩn giấu trong mỗi con người là vô cùng. Cái sức mạnh ấy có thể sánh ngang với Thượng Đế, nhưng chỉ bộ lộ hoàn toàn khi đã lâm vào cảnh ngộ mười phần bế tắc hoặc là chết, hoặc là trở thành người mãi mãi không thể bị đánh bại”.
    (Nguyễn Khải qua Thượng Đế thì cười, Đào Thủy Nguyên)
READ:  Cuộc đời và sự nghiệp tác giả nhà văn Kim Lân

Các tác phẩm nổi bật của Nguyễn Khải

Mùa xuân ở Chương – Mỹ (1954)

Người con gái quang vinh (1956)

Xung đột (truyện, 1959)

Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960)

Hãy đi xa hơn nữa (truyện vừa, 1963)

Người trở về (tập truyện vừa, 1964)

Họ sống và chiến đấu (ký sự, 1966)

Hoà – Vang (bút ký, 1967)

Đường trong mây (tiểu thuyết, 1970)

Ra đảo (1970)

Chủ tịch huyện (truyện, 1972)

Chiến sĩ (tiểu thuyết, 1973)

Tháng ba Tây nguyên (ký, 1976)

Cách mạng (kịch, 1978)

Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, 1982)

Thời gian của người (1985)

Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết, 1986)

Vòng sống đến vô cùng (truyện, 1987)

Một cõi nhân gian bé tí (tiểu thuyết, 1989)

Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990)

Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu (tập truyện vừa, 1993)

Một thời gió bụi (truyện ngắn, 1993)

READ:  Em hãy nói về sự đồng cảm sẻ chia của xã hội hiện nay

Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn, 1995)

Chút phấn của đời (truyện ngắn và kịch, 1999)

Chuyện nghề (1999)

Nắng chiều (tập truyện ngắn, 2001)

Hãy đi xa hơn nữa (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2002)

Mẹ và các con (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2002)

Sống ở đời (tập truyện, 2003)

Ký sự & Kịch (2003)

Thượng đế thì cười (tiểu thuyết, 2003)

Nghề văn cũng lắm công phu (truyện – tạp văn, 2003)

Vòng tròn trống rỗng (kịch, 2003)

Một chặng đường (tiểu thuyết, 2005)

Đi tìm cái tôi đã mất (tùy bút, 2006)

Các tác phẩm khác của ông có thể kể tới: Ước gì tôi được trẻ lại, Tự bạch, Người ngu, Người mơ mộng, Nếp Nhà, Má Hồng, Đời khổ, Đất Mỏ, Đàn ông, Đàn bà, Đã từng có ngày vui, Chị Mai, Cái thời lãng mạn, Buổi sớm mai, Bố con, Bảy đô một đêm, Bắt đầu từ một câu nói, Bạn viết cũ, Anh Thanh Tịnh, Đứa con nuôi,…

Giải thưởng

Trong suốt sự nghiệp, Nguyễn Khải đã nhận nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng Văn học Lê Thanh Nghị (Liên khu III, 1951), Giải thưởng Văn nghệ VN (1951-1952), Giải thưởng Hội Nhà văn VN (1982), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2000).., Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt II – 2000) và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.