Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Minh Châu

Hoàn cảnh xuất thân

Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh ngày 20 tháng 10 năm 1930. Quê gốc của ông tại làng Thôi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng tháng Tám, ông từng tốt nghiệp bậc Thành Chung tại trường Kỹ nghệ Huế năm 1944-1945.Sau đó, ông tiếp tục học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Hà Tĩnh. Đến tháng 1 năm 1950, ông gia nhập quân đội, học ở trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.Ông mất ngày 23 tháng l năm 1989 tại Hà Nội.

Những thành công bước đầu trong nghề cầm bút

Hành trình văn học của Nguyễn Minh Châu khởi đầu bằng truyện ngắn Sau một buổi tập (1960) và khép lại với truyện vừa Phiên chợ Giát (1989). Ba thập kỷ – một hành trình không phải là dài so với những đồng nghiệp, đồng lứa như: Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Hồ Phương… , song với mười ba tập văn xuôi, một tập tiểu luận phê bình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã để lại một sự nghiệp văn chương đủ sức vượt qua thời gian. Trong đó, đặc biệt phải kể đến các tác phẩm chính:

– Cửa sông (tiểu thuyết, 1966);
– Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970);
– Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972);
– Miền cháy (tiểu thuyết, 1977);
– Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977);
– Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982),
– Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983);
– Bến quê (truyện ngắn, 1985);
– Mảnh dất tình yêu (tiểu thuyết, 1987);
– Cỏ lau (truyện vứa, 1989).

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Minh Châu là nhà văn thuộc thế hệ sau, nhưng chỉ thông qua những sáng tác văn chương của ông, người đọc sẽ không quên nhắc đến một nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đã dành trọn vẹn nửa đời văn của mình đi sâu, khám phá, phản ánh những “đề tài sinh tử” trong mảng hiện thực chiến tranh và người lính cách mạng. Đó là những con người ngập tràn tình cảm lãng mạn, trẻ trung, tươi tắn như Lãm, Nguyệt (trong Mảnh trăng cuối rừng), cô gái mang “niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống”, niềm tin ấy “như sợi chỉ xanh óng ánh, bao nhiêu bom đạn dội xuống, cũng không đứt, không thể nào tàn phá nổi”. Đó là Kinh, Lữ, Khuê, Cận, Lượng v.v… (trong Dấu chân người lính) – những viên ngọc, sáng đẹp một cách rực rỡ, không có tỳ vết. Khó có thể tìm thấy một khiếm khuyết trong phẩm chất của họ. “Mảnh trăng cuối rừng” là truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu trong những năm chống Mỹ. Truyện khá tiêu biểu cho những đặc điểm bút pháp của nhà văn trong giai đoạn trước 1975 và cũng mang những đặc điểm chung của văn học ta giai đoạn ấy. Truyện ngắn này đã được đưa vào nhiều tuyển tập truyện ngắn Việt Nam và được nhà phê bình N.I. Niculin giới thiệu trong “Cuộc chiến tranh giải phóng và truyện ngắn Việt Nam hiện đại” và nhận xét: “Niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ, anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng…”.
Nói đến văn học chống Mỹ, nền văn xuôi chống Mỹ, không thể không nhắc đến Cửa sông với nhịp sống vừa bình thản, vừa quả cảm của một làng nhỏ ven sông bước vào cuộc chiến đầy quyết liệt với cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ, không thể không nói tới Dấu chân người lính với cả không khí hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả một dân tộc.

READ:  Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích

Miền cháy là tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của Nguyễn Minh Châu từ chủ nghĩa hiện thực lãng mạn cách mạng và cảm hứng sử thi bước sang chủ nghĩa hiện thực. Bằng sự thôi thúc của lương tâm và trách nhiệm, Nguyễn Minh Châu lại cùng dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới “cuộc chiến đấu cho quyền sống của con người”. Và có thể thấy sự đổi mới này trên mảng hiện thực quen thuộc nhất của ngòi bút nhà văn Nguyễn Minh Châu – Chiến tranh cách mạng và người lính. Theo hướng tiếp cận hiện thực mới mẻ này, sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã góp phần phát hiện ra những quy luật vận động sâu kín của đời sống nhân sinh thế sự và đạt tới một chiều sâu nhân bản mới.

Nhưng sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ được ghi dấu ở phần sáng tác, mà ngay trong địa hạt phê bình, người ta cũng nhớ đến ông ở tư cách là người đầu tiên khuấy động sự tĩnh lặng hàng bao nhiêu năm của một nền văn học thời chiến bằng bài tiểu luận Viết về chiến tranh đã làm xôn xao dư luận một thời. Và văn học thời kỳ đổi mới đã ghi nhận bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ của ông là hiện tượng đặc sắc của một nhân cách dũng cảm và trung thực. Đó là cảm quan nhạy bén của một nghệ sỹ đã nhận thức được sự tất yếu của tiến trình văn học.

READ:  Em hãy tóm tắt tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu

Nhà văn Nguyễn Minh Châu – người mở đường xuất sắc cho Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, người đã “đi được xa nhất” trong cao trào đổi mới của Văn học Việt Nam đương đại. Nói như nhà văn Nguyễn Khải, sau này đã có người đứng trên vai ông để mà to lớn hơn, nhưng vị trí tiên phong và những cống hiến có tính chất khai phá của ông là không thể phủ nhận. Tìm ra hướng đi mới cho văn học cả trên bình diện nội dung và phản ánh lẫn bút pháp thể hiện, nhà văn đã công khai với bạn đọc một cách viết mới: hiện đại mà vẫn đậm đà truyền thống. Ông đã đi được một chặng đường xa, dù nhọc nhằn nhưng thật nhiều ý nghĩa.

Nỗ lực và những thành công cuối đời của nhà văn

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã được các giải thưởng văn chương: giải thưởng Bộ Quốc phòng năm (1984- 1989) cho toàn bộ tác phẩm của ông viết về chiến tranh và người lính, giải thưởng Hội nhà văn 1988-1989 cho tập truyện “Cỏ lau”và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 cho cụm tác phẩm: Dấu chân người lính, Cửa sông, Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành.

Đánh giá

Nhà văn Nguyễn Khải: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”.

Nhà phê bình Nikolai Nikulin: “Niềm tin vào tính bất khả chiến bại của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ, anh (Nguyễn Minh Châu) đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”.