Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6- 1991) đã đánh giá về quá trình thực hiện đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta trong những năm 1987 – 1991 như thế nào?

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6- 1991) đã đánh giá về quá trình thực hiện đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta trong những năm 1987 – 1991 như thế nào?

Từ năm 1987-1991 là thời gian có nhiều thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội của đất nước và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, Đảng ta đã kiên trì đường lối đổi mới, đề ra và lãnh đạo nhân dân ta thực hiện có kết quả một số chủ trương, chính sách lớn về đối nội và đối ngoại, mở ra hướng phát triển mới của đất nước.

1. Về đánh giá thành tựu

Đại hội đã nêu ra nhận định: “tổng quát lại, sau hơn bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng”.

Về kinh tế – xã hội: đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện ba chương trình kinh tế (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu). Về lương thực – thực phẩm: đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân. Hàng tiêu dùng có bước phát triển mới cả về sản xuất và lưu thông. Hàng hoá đa dạng và lưu thông tương đối thuận tiện, có tiến bộ về chất lượng.

Kinh tế đối ngoại được mở rộng cả về quy mô và hình thức: Kim ngạch xuất khẩu tăng. Đã giảm được mức độ nhập siêu trước đây.

Có chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư và bố trí lại cơ cấu kinh tế. Nhiều công trình công nghiệp nặng quan trọng được khởi công từ những năm trước đã được đưa vào sử dụng. Đã hình thành một số ngành sản xuất mới có triển vọng tốt như dầu khí, công nghiệp lắp ráp hàng điện tử… Nhiều loại hình, nhiều tổ chức kinh doanh, sản xuất, dịch vụ mới ra đời và phát triển nhanh góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hoá và phục vụ đời sống nhân dân.

Bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, giải phóng năng lực sản xuất trong xã hội.

Đã kiềm chế được một bước đà lạm phát. Giá trị đồng tiền Việt Nam được tăng lên, sức mua của nhân dân được khôi phục dần.

Khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển và bước đầu phát huy được vai trò động lực trong việc phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường nghiên cứu ứng dụng, góp phần phát triển sản xuất.

READ:  Hãy phân tích bối cảnh lịch sử của phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX? So với phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX, phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX có điểm gì mới?

Kết quả của quá trình đổi mới kinh tế nói trên đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, mặc dầu còn nhiều khó khăn.

Về chính trị: “tình hình chính trị ổn định”, tuy vậy, vẫn còn những nhân tố có thể gây mất ổn định không thể xem thường.

Sự ổn định chính trị nói trên bắt nguồn từ truyền thống yêu nước và kinh nghiệm lịch sử của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là kết quả tổng hợp của những tiến bộ bước đầu về kinh tế, đời sống, về thực hiện dân chủ hoá xã hội, cùng với những thành tựu trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhân dân ta vào tiền đồ của chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng ta. Đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm sự ổn định chính trị trước những tác động phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước.

Tuy vậy, chúng ta phải đề cao cảnh giác không thể xem thường những nhân tố trong nước và ngoài nước có thể gây mất ổn định. Đảm bảo tình hình chính trị nước ta luôn ổn định, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về văn hoá, giáo dục và y tế: mặc dầu còn nhiều khó khăn, song đã đạt được một số tiến bộ đáng kể.
Các mặt quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được những thành tựu quan trọng: Quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm. Từng bước phá thế bao vây về kinh tế và chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo ra môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu nói trên tuy là bước đầu nhưng rất quan trọng, bởi vì nhân dân ta đã đạt được các thành tựu nói trên trong điều kiện trong nước có những khó khăn gay gắt, quốc tế có những diễn biến phức tạp và chủ nghĩa đế quốc tiếp tục bao vây, cấm vận và chống phá cách mạng nước ta. Mặt khác, những thành tựu nói trên chứng tỏ rằng: đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới về cơ bản là phù hợp. Qua thực tiễn, chúng ta có thêm những nhận thức mới và kinh nghiệm quan trọng về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm nước ta. Đó là cơ sở rất quan trọng để chúng ta tiếp tục tiến lên.

2. Về khó khăn, yếu kém và khuyết điểm

Đất nước ta vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội; công cuộc đổi mới còn có những mặt hạn chế, nhiều vấn đề kinh tế – xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết. Đáng chú ý là những vấn đề lớn sau đây:

  • Lạm phát còn ở mức cao, nhiều cơ sở sản xuất đình đốn kéo dài, lao động thiếu việc làm tiếp tục tăng lên.
  • Chế độ lương quá bất hợp lý, đời sống của người ăn lương hoặc trợ cấp xã hội và một bộ phận nhân dân bị giảm sút. Tốc độ tăng dân số còn cao.
  • Sự nghiệp văn hoá, xã hội có những mặt tiếp tục xuống cấp.
  • Tình trạng tham nhũng, bất công xã hội chưa giải quyết được nhiều; lối sống thực dụng, mê tín dị đoan phát triển.
  • Tình trạng vi phạm dân chủ còn nhiều. Việc thực hiện kỷ cương, pháp luật chưa nghiêm.
  • An ninh, trật tự và an toàn xã hội còn phức tạp. Vẫn có những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị không thể xem thường.
  • Bộ máy đảng, nhà nước và các đoàn thể nhân dân còn cồng kềnh, phong cách làm việc còn quan liêu, kém hiệu lực.
  • Không ít cán bộ, đảng viên không đủ phẩm chất và năng lực đảm đương nhiệm vụ, thậm chí thoái hoá biến chất, không được quần chúng tín nhiệm.
READ:  Diễn biến, nội dung và ý nghĩa lịch sử hội nghị Pa Ri ?

Đại hội cũng chỉ ra rằng: nguyên nhân của những mặt khó khăn, yếu kém nói trên có phần là do hậu quả của nhiều năm trước đây để lại và là khó khăn của quá trình đi lên, vừa do những tác động bất lợi của tình hình thế giới. Song, cần nhấn mạnh những khuyết điểm chủ quan trong sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước: chưa kịp thời đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới; khuyết điểm về công tác tổ chức cán bộ, về nâng cao chất lượng đảng viên; thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý, còn nhiều thiếu sót, sơ hở trong quản lý, điều hành các mặt của đời sống kinh tế – xã hội…

Đánh giá đúng thành tựu và khó khăn, khuyết điểm, chỉ ra những bài học kinh nghiệm của hơn bốn năm thực hiện đường lối đổi mới là cơ sở quan trọng để Đảng ta và nhân dân ta phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt những mục tiêu kinh tế – xã hội trong 5 năm tới do Đại hội VII đề ra.