Khảo dị sự tích trầu, cau và vôi

1. Trong Lĩnh-nam chích quái cũng như trong một số sách chép truyện cổ khác không thấy nói đến kết quả của tình tiết “hai anh em giống nhau như đúc”. Chúng tôi thấy đó có lẽ là một thiếu sót của người chép truyện, nên ở đây dựa vào quyển Tình sử Việt-nam. Cái ghen của Tân là nguyên nhân của việc Lang bỏ nhà ra đi và cũng là hậu quả của việc hai anh em giống nhau đến nỗi làm cho nhiều người nhầm lẫn.

2. Cũng theo Lĩnh-nam chích quái thì Lang chết hóa làm cây cau, Tân hóa làm hòn đá còn vợ Tân hóa làm cây trầu. Ở đây chúng tôi theo sách Sử Nam chí dị chép Lang hóa làm hòn đá. Tân hóa làm cây cau là những hình tượng có mối quan hệ hợp lý hơn (về điểm này chúng tôi đồng ý với ý kiến Trần Thanh Mại trong Tìm hiểu và phân tích truyện cổ tích Việt-nam).

Riêng sách Mỹ Ấm tuỳ bút tuy cũng kể như Sử Nam chí dị, nhưng lại cho rằng phải đợi sau khi chôn cả ba rồi mới được trời cho hóa. Cũng sách này có kể một số tình tiết hơi khác, nhất là ở đoạn kết:

Hai anh em Tân và Lang giống nhau như tạc, càng lớn càng giống và yêu mến nhau, đi đâu không rời nửa bước; việc đó làm cho người vợ của Tân – Lưu thị – mấy lần nhầm lẫn, rất xấu hổ. Lang sợ có điều không hay bèn xin anh ra ở riêng, nhưng anh không cho. Một hôm Lang bỏ nhà ra đi lên vùng núi, định sống lẩn lút ở đây, nhưng dầm phải sương gió nên chết ở cạnh rừng, được dân địa phương chôn cất thành mộ. Không thấy em về, Tân bỏ nhà đi tìm. Khi Tân đến đây, dân làng ban đầu sợ hãi tưởng người chết hiện ra, vì thấy giống người chết như tạc. Khi nghe nói người em đã chết Tân ngất đi và chết theo. Dân địa phương bèn chôn bên cạnh mộ người em. Lưu thị cũng bỏ nhà đi tìm, đến đây nghe nói chồng và em chồng đều chết, liền ôm lấy mồ khóc mãi, rồi cũng chết và cũng được chôn bên cạnh.

Hành động của họ cảm động đến Trời. Trời cho em hóa đá (biểu thị sự trong trắng), anh hóa thành cây cau (ngay thẳng độc lập, mở dạ cho ai nấy thấy), Lưu thị hóa thành cây trầu (tiết hạnh thơm cay). Đoạn sau nói về vua Hùng cũng như trên đã kể.

3. Cũng theo Trúc Khê, sách dã dẫn, thì ngôi đền thờ ba người hiện nay là đền Tam-khương ở làng Nam-hoa, huyện Nam-đàn (Nghệ-an) mà các triều đại phong kiến vẫn có sắc phong tặng.

Đồng bào thiều số ở Nghệ-an cũng có Sự tích trầu, cau và vôi nội dung khác với các truyện trên:

Một người có chín con gái cùng đi cuốc cỏ dâu. Trưa lại mệt, chị em nói đùa với nhau: “Giá có ai cuốc hộ thì sẽ lấy làm chồng”. Nghe thấy vậy một con quỷ hiện ra nói: – “Phải thế thì hãy nhắm mắt lại, tôi cuốc cho”. Quả nhiên khi mở mắt, mấy chị em đều thấy nương dâu đã cuốc sạch làu. Quỷ đưa chín cô về lần lượt ăn thịt đến cô thứ tám. Cô út là nàng Khăm Xuân sợ quá, bỏ trốn. Một đàn gà rừng bảo: – “Muốn sống thì chui xuống lỗ khoai mài”. Cô xuống, gà bẻ lá phủ cho nên quỷ không tìm ra. Khi quỷ đi khỏi, gà bảo nàng trèo lên tiếp tục đi nữa, hễ gặp người nào thì hỏi đường, người ta sẽ chỉ cho.

READ:  Khảo dị Sự tích cá he

Một bà tiên hiện ra bảo cô cứ đi theo sợi dây song cho đến ngọn. Đến nơi, hóa ra đó là cõi âm; ở đây cũng có nhà của ruộng vườn. Một người đàn ông là Chàng Ngược lấy cô làm vợ. Hắn chuyên làm mưa ở trần gian, nhưng vì có vợ hắn quên cả chức trách, ba tháng không ra khỏi nhà, nên trần gian ruộng nương khô cạn, người kêu van khắp nơi. Sau đó, hắn phải từ biệt vợ ra đi làm mưa, dặn vợ cứ luôn luôn ở nhà, ai rủ đi đâu cũng đừng nghe.

Ở nhà, hai người vợ cũ của Chàng Ngược đến rủ: – “Có muốn coi voi đánh nhau không?” – “Không” – “Có muốn coi gương lược đánh nhau không?” – “Không” – “Có muốn coi ông bà gia không?” – “Kể từ khi về nhà chồng đến nay tôi chưa biết mặt mũi ông bà gia, cho đi với”. Đến nơi, Khăm Xuân chỉ thấy hai con rồng to lớn, sợ quá, chạy về, mắt luôn luôn nhắm lại. Khi chồng về biết chuyện, đành phải trả Khăm Xuân lên trần. Lên đến nơi vẫn thấy vợ nhắm hai mắt, chồng bảo: – “Thôi đến nơi rồi. Chúng ta chia tay ở đây. Lúc nào gặp hoạn nạn gọi tôi, tôi sẽ đến”. Khăm Xuân đang đi dọc bờ sông thì gặp chàng Nước. Chàng Nước lại dỗ dành lấy nàng làm vợ. Cuộc tình duyên êm đẹp, chỉ có điều bố chồng không ưa nàng dâu. Một hôm bố chồng bảo con dâu đi bắt cá sông. Khăm Xuân không bắt được. Nàng đến bờ sông gọi tên chồng cũ. Chàng Ngược lên bảo: -“Muốn bắt cá sông thì sáng dậy ra mà bắt, nhưng phải dặn mọi người rằng nếu ai có thấy cây gỗ lạ thì cũng đừng đụng đến”. Sáng ra, thấy có một cây gỗ lớn nằm ngang sông mà vực sông ở chỗ đó cạn, cá rất nhiều, Khăm Xuân và mọi người đua nhau đi bắt. Người bố chồng thấy sự lạ cũng ra xem, thấy cây gỗ lạ bèn lấy gậy sắt đâm vào. Không ngờ đó là Chàng Ngược. Bị thương, Chàng Ngược, tức cây gỗ, nổi lên, nước chảy ào ào vào vực, phần lớn người đi bắt cá đều bị chết đuối. Bố chồng đổ tội cho nàng dâu giết dân, Khăm Xuân ra bến ngồi khóc rồi lấy lửa đốt cây gỗ để sưởi. Đốt một lúc bỗng thấy trong đống lửa không phải gỗ mà là Chàng Ngược đã chết cháy. Khăm Xuân thương quá, nhảy vào lửa cháy luôn. Chàng Nước về thấy thế cũng nhảy vào lửa cháy nốt (tình tiết này giống với kết thúc truyện Sự tích ông Đầu rau. số 21). Bố chồng chôn cất mỗi người một mộ. Về sau cây gỗ hóa thành cây cau. Khăm Xuân hóa thành cây trầu leo lên cây cau.

READ:  Khảo dị truyện cố tích Việt Nam Sự tích thành Lồi

Chàng Nước hóa thành đá vôi. Bố chồng lấy cau ăn với trầu, nhổ nước vào đá thấy nước đỏ dẹp, bèn hái về ăn để giải phiền. Từ đấy có tục ăn trầu.111

4. Đồng bào Ca-tu (ở phía Tây tỉnh Quảng-nam và Thừa-thiên) có một truyện nói về sự tích trầu, cau và vôi tuy khác truyện của ta nhưng hình ảnh đoạn kết lại có phần tương tự:

Một bà già gả một trong mười cô con gái cho chàng Rắn để trả ơn. Ở với Rắn, cô gái đẻ được một đứa con. Một hôm vì các chị xúi bẩy, cô bị răng rắn cắm vào người, chết ngay. Áo quan trôi theo dòng nước, lọt vào cái dó của ông Na, được ông này cứu cho sống lại. Ông Na lấy cô làm vợ, đẻ dược một con nhưng vẫn chưa làm lễ cưới. Ngày cưới, chàng Rắn đến dự. Một cuộc chiến tranh dữ dội diễn ra giữa Rắn và ông Na. Cô gái lấy gói thuốc trong rừng gói thành từng gói chuẩn bị ném cho cả hai bên để bôi cho lành vết thương. Ném cho Rắn, không ngờ Rắn hóa thành cây cau. Ném trúng ông Na, ông Na hóa thành hòn đá. Cô thương quá đứng trên hòn đá ôm lấy cây cau, thì lại hóa thành cây trầu, gốc mọc ở đá, ngọn leo lên cây cau. Truyện còn kể thêm hai đứa con của Rắn và ông Na đến nhặt gói thuốc thứ ba thì hóa thành cối chày giã trầu. Dân làng chạy đến xem cũng hóa thành những cây chay.

Có một mụ cơ-rúa (đàn bà ngồi lê) đi xúc tép qua đó, thấy cây hay hay, bèn hái lá trầu ăn với quả cau rồi nhổ nước vào đá, đá đang trắng hóa đỏ. Mụ lấy trầu cau, vôi và chay ăn chung với nhau, tự nhiên thấy môi đỏ, người hóa đẹp ra. Nhà vua nghe tin, đòi mụ về triều, thấy mụ đẹp bèn phong làm hoàng hậu. Nghe lời mụ, vua sai lính đến đào các cây cau trầu đem về, nhưng đào đi bao nhiêu cau trầu vẫn mọc nhiều thêm, không bao giờ hết giống.

Người Thái cũng có truyện Tình nhân biến thành trầu cau nói đến ba người bạn học, trong đó có một cô gái giả trai cuối cùng hóa ra trầu cau và vôi. Truyện này có mô-típ hoàn toàn khác các truyện trên.

Theo Trúc Khê. Tình sử Việt-nam.

Theo Sử Nam chí dị.

Theo Lĩnh-nam chích quái.

Trong Nông công thương (1939).

Theo Bản khai của tổng Thanh- xuyên.

Theo Truyện cổ Ca-tu.