Về mặt đo lường, khái niệm nghiên cứu có thể chia thành hai dạng chính: khái niệm đơn hướng (khái niệm nhất) và khái niệm đa hướng (khái niệm bậc cao)
– Thang đo đơn hướng: dùng cho khái niệm bậc nhất, có thể dùng một tập hợp biến quan sát (thang đo) để đo lường cho khái niệm nghiên cứu
Ví dụ:
Khái niệm “Kỳ vọng cơ hội sau khi Việt Nam gia nhập WTO được định nghĩa là “kỳ vọng của doanh nghiệp về lợi ích mà doanh nghiệp nhận được khi Việt Nam là thành viên của WTO”
Khái niệm này được xây dựng là một khái niệm bậc nhất và được đo lường bằng một số biến quan sát, chẳng hạn:
X1: Việt Nam gia nhập WTO giúp công ty chúng tôi tìm được nhiều thị trường mới
X2: Việt Nam gia nhập WTO giúp chúng tôi tìm được nhiều đối tác kinh doanh mới
X3: Nhìn chung, Việt Nam gia nhập WTO sẽ giúp cho việc kinh doanh của công ty chúng tôi thuận lợi hơn.
– Thang đo đa hướng là thang đo dùng cho một khái niệm bậc cao gồm nhiều thành phần tức là không thể đo lường khái niệm này bằng một tập biến quan sát mà phải đo lường thông qua các thành phần của nó. Các thành phần con này có thể có các thành phần con nữa nên làm cho thang đo đa hướng (thang đo bậc cao) có thể là bậc hai, bậc ba … tùy theo cấp các khái niệm con.
Ví dụ:
Ta có khái niệm “Định hướng thị trường” bao gồm ba thành phần là:
– Hướng về khách hàng.
– Hướng về đối thủ cạnh tranh.
– Phối hợp chức năng.
Ta không thể đo lường trực tiếp khái niệm “Định hướng thị trường” bằng một tập biến quan sát mà phải thông qua ba thành phần của nó như đã nêu trên. Mỗi thành phần này được đo bằng một tập biến quan sát. Như vậy, thang đo “Định hướng thị trường” bao gồm một tập ba thang đo: thang đo hướng về khách hàng, thang đo hướng về đối thủ cạnh tranh và thang đo phối hợp chức năng.
Trong ví dụ trên, thang đo “Định hướng thị trường” là thang đo bậc hai vì để đo khái niệm “Định hướng thị trường” chúng ta phải đo ở cấp thứ hai là ba thành phần của nó.
Chẳng hạn, để đo thành phần “hướng về đối thủ cạnh tranh”, có thể dùng các biến quan sát sau đây:
– Đội ngũ bán hàng công ty chia sẻ thông tin về đối thủ cạnh tranh với nhau
– Công ty phản ứng nhanh nhạy với các hoạt động của đối thủ cạnh tranh
– Ban lãnh đạo cấp cao công ty thường thảo luận về các điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh
– Mỗi khi phát hiện được cơ hội thị trường, công ty tập trung vào nó