PPNCKH – Mối quan hệ của mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu và giả thiết nghiên cứu? Cho ví dụ

Đối với bất kì một nghiên cứu khoa học nào, việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là xác định được đề tài, mục tiêu nghiên cứu – những mong muốn mà nhà nghiên cứu hy vọng sẽ đạt được, khám phá ra hoặc giải quyết được khi hoàn thành việc nghiên cứu.

Mục tiêu nghiên cứu khi đạt được, giải quyết được qua nghiên cứu sẽ trở thành kết quả nghiên cứu.

Câu hỏi nghiên cứu là các câu hỏi được hình thành trên nền tảng của mục tiêu nghiên cứu. Để mở rộng các vấn đề cụ thể, góp phần làm chi tiết hơn và định hướng cho quá trình nghiên cứu về nội dung, cũng như phương pháp thực hiện, đồng thời giới hạn đối tượng và phạm vi cần tìm hiểu để đạt được mục tiêu nghiên cứu, các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra.

Câu hỏi nghiên cứu đồng thời cũng được trả lời qua kết quả nghiên cứu.

Để xây dựng câu hỏi nghiên cứu tốt, mục tiêu nghiên cứu phải được xác định rõ ràng.

Giả thuyết nghiên cứu là những nhận định về kết quả của vấn đề nghiên cứu, là câu trả lời giả định cho câu hỏi nghiên cứu.

Dựa vào các giả thuyết đề xuất, nhà nghiên cứu thực hiện các quan sát, phân tích và kiểm chứng các kết luận giả định đó.

Việc đưa ra giả thuyết và thu thập thông tin từ thực tế xã hội để kiểm chứng là nội dung chủ yếu của nghiên cứu. Giả thuyết là cơ sở, là khởi điểm cho một công trình nghiên cứu, có vai trò định hướng cho công trình nghiên cứu đó. Khi một giả thuyết được kiểm chứng, được khẳng định thì nó sẽ là cơ sở lý luận giúp con người nhận thức sâu hơn về bản chất vấn đề nghiên cứu.

READ:  Phân biệt mục đích sử dụng của 3 loại nghiên cứu mô tả - giải thích - khám phá

Do đó, giả thuyết có thể được coi là những dự đoán có căn cứ khoa học về những đặc điểm, bản chất, mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng được nghiên cứu hay dự đoán về kết quả nghiên cứu.

Giả thuyết nghiên cứu là công cụ, phương pháp luận chủ yếu cho việc tổ chức quá trình nghiên cứu nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu đã xác định .

Ví dụ: Đề tài nghiên cứu “Ảnh hưởng của văn hóa công ty đến sự cam kết gắn bó với tổ chức của các nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp ở Tp HCM” của Đỗ Thụy Lan Hương – Cao học QTKD, Đại học kinh tế Tp HCM -2008

Mục tiêu nghiên cứu: khám phá các khía cạnh văn hóa công ty có tác động tích cực đến thái độ cam kết, gắn bó với tổ chức của các nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp ở Tp HCM.

READ:  PPNCKH - Thiết kế nghiên cứu giải thích được sử dụng trong trường hợp nào? Cho ví dụ và chỉ rõ biến nghiên cứu và biến tác động

Câu hỏi nghiên cứu: các khía cạnh văn hóa công ty nào có có tác động tích cực đến thái độ cam kết, gắn bó với tổ chức của các nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp ở Tp HCM?

Giả thuyết nghiên cứu:

Dựa vào nghiên cứu của Recardo và Jolly 1997, giả định các khía cạnh văn hóa công ty có tác động tích cực đến thái độ cam kết, gắn bó với tổ chức của các nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp ở Tp HCM cũng bao gồm 8 khía cạnh sau:

  • Giao tiếp trong tổ chức
  • Đào tạo và phát triển
  • Phần thưởng và sự công nhận
  • Hiệu quả trong việc ra quyết định
  • Chấp nhận rủi ro do sáng tạo và cải tiến
  • Định hướng về kế hoạch tương lai
  • Làm việc nhóm
  • Sự công bằng và nhất quán trong các chính sách quản trị.