Sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản Chủ nghĩa tư bản ra đời khi có hai điều kiện: có một lớp người được tự do về thân thể nhưng lại không có tư liệu sản xuất; và tiền của phải được tập trung vào tay một số người, với một lượng đủ lớn, để lập các xí nghiệp.
1. Công thức chung của tư bản.
a) So sánh công thức lưu thông hàng hóa giản đơn với công thức chung của tư bản
Lưu thông hàng hóa giản đơn vận động theo công thức: H-T-H (1). Trong công thức này, tiền tệ không phải là tư bản.
Tiền tệ chỉ trở thành tư bản trong những điều kiện nhất định.
Mọi tư bản đều xuất hiện từ một khối lượng tiền nhất định và vận động theo công thức: T-H-T’ (2). Đây là công thức chung của tư
bản, vì mọi tư bản đều vận động theo công thức này.
Giữa công thức (1) và công thức (2) có những điểm khác nhau:
– Về điểm xuất phát và kết thúc quá trình vận động trong công thức 1 là H (Hàng); trong công thức 2 là T (Tiền).
– Về trình tự của quá trình vận động: Trong công thức 1 bán trước, mua sau; trong công thức 2 mua trước, bán sau.
– Về mục đích của quá trình vận động:
Trong công thức 1 là giá trị sử dụng; trong công thức 2 là giá trị.
Ở đây, tiền thu về (T’) phải lớn hơn tiền ứng trước (T) một lượng là t. Do đó T’ = T + (T’. Số tiền trội lên so với tiền ứng ra ban đầu là giá trị thặng dư, ký hiệu là (m).Như vậy, số tiền ứng ra ban đầu (T) với mục đích đem lại giá trị thặng dư cho người chủ có tiền được gọi là tư bản. Qua đó, đi đến kết luận: Tiền tệ chỉ trở thành tư bản khi được dùng để mang lại giá trị thặng dư cho nhà tư bản.
b) Mâu thuẫn của công thức chung của tư bản
Lý luận giá trị đã chứng minh rằng:
Giá trị của hàng hóa do lao động của những người sản xuất hàng hóa tạo ra trong sản xuất. Nhưng nhìn vào công thức T-H-T’ người ta dễ lầm tưởng rằng tiền tệ cũng tạo ra giá trị khi vận động trong lưu thông.
Thực chất thì bản thân tiền, dù ở ngoài hay ở trong lưu thông, cũng không tự lớn lên được. Tiền không thể sinh ra tiền là điều hiển nhiên.
Còn lưu thông thuần túy, dù diễn ra ở bất cứ hình thức nào, kể cả việc mua rẻ bán đắt, cũng không làm tăng thêm giá trị, không tạo ra giá trị thặng dư; ở đây chỉ có sự phân phối lại lượng giá trị có sẵn trong xã hội mà thôi bởi nếu mua rẻ thứ này thì sẽ lại phải mua đắt thứ kia; bán đắt thứ này thì lại phải bán rẻ thứ khác, vì tổng khối lượng hàng và tiền trong toàn xã hội ở một thời gian nhất định là một số lượng không đổi.
Tuy vậy, không có lưu thông cũng không tạo ra được giá trị thặng dư. Do đó, mâu thuẫn của công thức chung của tư bản là giá trị thặng dư không do lưu thông đẻ ra nhưng lại được tạo ra thông qua lưu thông.
Sở dĩ như vậy vì nhà tư bản tìm được trên thị trường một loại hàng hóa đặc biệt có khả năng tạo ra giá trị thặng dư cho mình. Đó là hàng hóa sức lao động.
2. Hàng hóa sức lao động.
Sức lao động là toàn bộ thể lực và trí lực của con người, là khả năng lao động của con người. Sức lao động là yếu tố cơ bản của mọi quá trình sản xuất. Nó chỉ trở thành hàng hóa khi có hai điều kiện:
– Người có sức lao động được tự do thân thể, được quyền làm chủ sức lao động của mình để có thể đi làm thuê (bán sức lao động).
– Họ không có tư liệu sản xuất và của cải khác để sinh sống, buộc phải đi làm thuê, tức là bán sức lao động của mình. Sức lao động khi trở thành hàng hóa, nó vừa có hai thuộc tính như hàng hóa thông thường vừa có đặc điểm riêng.
– Giá trị hàng hóa sức lao động cũng bằng lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra nó. Nhưng việc sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động phải được thực hiện bằng cách tiêu dùng cho cá nhân. Vì vậy, lượng giá trị hàng hóa sức lao động bằng lượng giá trị những tư liệu sinh hoạt cần thiết về vật chất và tinh thần để nuôi sống người công nhân, gia đình anh ta và chi phí đào tạo công nhân theo yêu cầu của sản xuất. Vì vậy, giá trị hàng hóa sức lao động phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ nhất định.
– Giá trị sử dụng hàng hóa sức lao động là công dụng của nó để thỏa mãn nhu cầu người mua là sử dụng vào quá trình lao động. Khác với hàng hóa thông thường, hàng hóa sức lao động khi được sử dụng, nó tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn giá trị bản thân nó. Đó chính là nguồn gốc của giá trị thặng dư.
Hàng hóa sức lao động là điều kiện để chuyển hóa tiền tệ thành tư bản. Đây cũng chính là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản.
Như vậy, tiền tệ chỉ trở thành tư bản khi nó được sử dụng làm phương tiện để mang lại giá trị thặng dư cho người có tiền và người có tiền phải tìm được một loại hàng hóa đặc biệt – hàng hóa sức lao động.