1. Đặc điểm chung của các loại HĐ trong kinh doanh quốc tế
– Hợp đồng là một cam kết giữa các bên có quốc tịch khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế. Hợp đồng quy định nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong các quan hệ về sản xuất, mua bán trao đổi hợp tác kinh doanh,… Hợp đồng kinh doanh quốc tế là một hợp đồng ngoại, khác với các hợp đồng trong nước là một hợp đồng nội. Các bên tham gia giao kết hợp đồng phải có tư cách pháp nhân theo quy định của luật pháp.
– Hợp đồng kinh doanh quốc tế thường chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật, cả pháp luật trong nước lẫn pháp luật quốc tế. Hợp đồng xuất nhập khẩu phải tuân thủ luật pháp của các bên tham gia và thông lệ quốc tế về thủ tục quy định cho lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư đặc biệt là hợp đồng liên doanh phải tuân thủ pháp luật về đầu tư nước ngoài như quy định về vốn góp, chuyển giao công nghệ, các quy định về tài chính tiền tệ, kế toán kiểm toán… và phải phù hợp với thông lệ quốc tế về đầu tư như đánh thuế trùng, bảo hộ đầu tư nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước…
– Hợp đồng thường được trình bày theo cấu trúc điều khoản. Cấu trúc điều khoản của hợp đồng giống với cấu trúc điều khoản của các văn bản pháp luật. Cấu trúc này tạo điều kiện để các bên tham gia có thể dễ dàng thấy được trách nhiệm và quyền hạn trong từng công việc cụ thể. Cấu trúc điều khoản cho phép trình bày nhiều vấn đề có nội dung khác nhau trong cùng một văn bản. Tuy nhiên hiệu lực pháp lý của hợp đồng thấp hơn so với các văn bản pháp luật, phạm vi áp dụng hẹp hơn, đối tượng áp dụng ít hơn và thủ tục phát sinh trách nhiệm pháp lý đơn giản hơn, cụ thể và chi tiết hơn.
– Hợp đồng kinh doanh quốc tế có tính chất phức tạp vì nó liên quan đến nhiều hệ thống luật pháp khác nhau, phong tục tập quán kinh doanh quốc tế, sắc thái văn hóa, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội bối cảnh quốc tế…
2. Các loại HĐ kinh doanh quốc tế và đặc điểm của nó
2.1 HĐ mua bán hàng hóa quốc tế
– KN: Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là sự thoả thuận ý chí giữa các thương nhân có trụ sở kinh doanh đặt ở các quốc gia khác nhau, theo đó một bên gọi là Bên xuất khẩu có nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho một bên khác gọi là Bên nhập khẩu và nhận thanh toán; và Bên nhập khẩu có nghĩa vụ thanh toán cho Bên xuất khẩu, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
– Đặc điểm:
+ Bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận ý chí của các Bên ký kết. Đây là đặc trưng rất cơ bản của hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng.
+ Chủ thể của hợp đồng: Bên xuất khẩu và Bên nhập khẩu, là các thương nhân có trụ sở kinh doanh đặt tại các quốc gia khác nhau. Nếu các bên không có trụ sở kinh doanh thì sẽ dựa vào nơi cư trú của họ, còn quốc tịch của cá nhân người đại diện của các bên không có ý nghĩa trong việc xác định yếu tố quốc tế của hợp đồng. Hai người trực tiếp ký vào hợp đồng có thể đều mang quốc tịch Việt Nam, nhưng họ đại diện cho các bên có trụ sở kinh doanh đặt tại các quốc gia khác nhau thì hợp đồng ký kết giữa các bên này vẫn là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
+ Đối tượng của hợp đồng là hàng hoá di chuyển qua biên giới hải quan của một nước. Biên giới hải quan được hiểu là tập hợp các cửa khẩu, các văn phòng hải quan nơi mà hàng hoá phải được tiến hành các thủ tục hải quan xuất nhập khẩu theo các quy chế quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu của Chính phủ các nước.
+ Đồng tiền tính toán hoặc thanh toán không còn là đồng nội tệ của một quốc gia mà là ngoại tệ đối với ít nhất một bên ký kết.
+ Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng đa dạng và phức tạp, không chỉ là luật quốc gia mà còn gồm cả điều ước quốc tế về thương mại, luật nước ngoài cũng như tập quán thương mại quốc tế.
+ Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng là toà án hay trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại là cơ quan nước ngoài đối với ít nhất một trong các chủ thể.
2.2 HĐ cung ứng dịch vụ quốc tế
– KN: Hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế là sự thỏa thuận giữa các bên thuộc các quốc gia khác nhau, theo đó bên cung ứng dịch vụ tại quốc gia này có nghĩa vụ thực hiện cung cấp dịch vụ cho bên sử dụng dịch vụ (khách hàng) tại quốc gia kia, còn bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ.
– Đặc điểm:
+ Bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận ý chí của các Bên ký kết. Đây là đặc trưng rất cơ bản của hợp đồng nói chung và hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế nói riêng.
+ Chủ thể của hợp đồng, Bên cung ứng và Bên sử dụng dịch vụ thuộc các quốc gia khác nhau. (Quốc tịch của người đại diện của các bên không có ý nghĩa trong việc xác định yếu tố quốc tế của hợp đồng).
+ Đối tượng của hợp đồng là dịch vụ quốc tế.
+ Đồng tiền tính toán và thanh toán: là ngoại tệ đối với ít nhất một bên ký kết.
+ Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng: đa dạng và phức tạp, không chỉ là luật quốc gia mà còn gồm cả điều ước quốc tế về thương mại, luật nước ngoài cũng như tập quán thương mại quốc tế.
+ Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng là toà án hay trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại là cơ quan nước ngoài đối với ít nhất một trong các chủ thể.
2.3 HĐ đầu tư quốc tế
– KN: Hợp đồng đầu tư quốc tế là một loại văn bản ghi chép lại các thỏa thuận giữa bên đầu tư và bên tiếp nhận đầu tư thuộc các quốc gia khác nhau, quy định các điều khoản nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc di chuyển nguồn vốn đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác.
– Đặc điểm:
+ Bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận ý chí của các Bên ký kết. Đây là đặc trưng rất cơ bản của hợp đồng nói chung và hợp đồng đầu tư quốc tế nói riêng.
+ Chủ thể của hợp đồng, Bên đầu tư và Bên tiếp nhận đầu tư thuộc các quốc gia khác nhau. (Quốc tịch của người đại diện của các bên không có ý nghĩa trong việc xác định yếu tố quốc tế của hợp đồng).
+ Đối tượng của hợp đồng là vốn đầu tư di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác dưới hai hình thức cơ bản là Đầu tư trực tiếp nước ngoài và Đầu tư gián tiếp nước ngoài.
+ Đồng tiền tính toán: là ngoại tệ đối với ít nhất một bên ký kết.
+ Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng: Hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, đặc biệt là hợp đồng liên doanh phải tuân thủ pháp luật về đầu tư nước ngoài như quy định về vốn góp, chuyển giao công nghệ, các quy định về tài chính tiền tệ, kế toán kiểm toán,… và phải phù hợp với thông lệ quốc tế về đầu tư như đánh thuế trùng, bảo hộ đầu tư nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước…
+ Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng là toà án hay trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại là cơ quan nước ngoài đối với ít nhất một trong các chủ thể.