Chị M đến UBND xã H để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Qua kiểm tra hồ sơ giấy tờ, công chức Tư pháp – Hộ tịch không thấy có Giấy chứng nhận kết hôn. Theo trình bày của chị M, chị chưa lập gia đình nên không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, công chức Tư pháp – hộ tịch vẫn không nhận hồ sơ vì thiếu Giấy chứng nhận kết hôn. Việc từ chối làm thủ tục đăng ký khai sinh của công chức Tư pháp – Hộ tịch có phù hợp với quy định của pháp luật không?
Trả lời:
Hành vi không nhận hồ sơ đăng ký khai sinh cho con chị Mai của công chức Tư pháp – Hộ tịch không phù hợp với quy định của pháp luật bởi lẽ:
Được khai sinh là quyền của trẻ em theo quy định tại Điều 13 Luật trẻ em. Mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh không kể là con trong giá thú hay con ngoài giá thú.
Theo Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, người yêu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch, bao gồm:
– Tờ khai theo mẫu quy định
– Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Ngoài ra, người yêu cầu đăng ký khai sinh phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
Trong trường hợp này, chị Mai chưa đăng ký kết hôn, vì vậy khi đăng ký khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã, chị M không phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn.