Hệ thống chính trị của Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam – PLĐC

3.1 Khái niệm hệ thống chính trị:

Hệ thống chính trị là tổng thể các thiết chế chính trị tồn tại và hoạt động trong mối liên hệ hữu cơ với nhau nhằm tạo ra một cơ chế thực hiện quyền lực của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Hệ thống chính trị của nước ta bao gồm: Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam, mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam…

3.2 Nhà nước Việt Nam trong hệ thống chính trị:

Nhà nước là thiết chế trung tâm trong hệ thống chính trị, là biểu hiện tập trung quyền lực của nhân dân và là công cụ hữu hiệu nhất để nhân dân thực hiện quyền lực chính trị của mình.

Vai trò, vị trí của Nhà nước là do Nhà nước có những điều kiện sau đây:

– Nhà nước là người đại diện chính thức của mọi giai cấp , mọi tầng lớp trong xã hội. Điều đó cho phép Nhà nước thực hiện triệt để các quyết định, chính sách của mình đối với xã hội.
– Nhà nước là chủ thể của quyền lực chính trị, Nhà nước có một bộ máy chuyên làm chức năng quản lý, có hệ thống lực lượng vũ trang và bộ máy cưỡng chế để duy trì trật tự xã hội mà không một tổ chức nào có được. Nhà nước sử dụng pháp luật trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, đảm bảo cho các chủ trương, chính sách đó được triển khai rộng rãi và thống nhất trên quy mô toàn quốc.

– Nhà nước có chủ quyền quốc gia. Đó là quyền tối cao của Nhà nước trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại của đất nước. Điều này giúp cho Nhà nước kết hợp các quan hệ trong nước và quan hệ quốc tế một cách thống nhất.
– Nhà nước là chủ sở hữu lớn nhất đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu và quan trọng của đất nước. Với tư cách đó, Nhà nước có sức mạnh vật chất để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tạo điều kiện cho sự vận hành của bộ máy Nhà nước và đảm bảo cho các tổ chức xã hội hoạt động.

READ:  Khái niệm và đặc điểm chung của hệ thống pháp luật - PLĐC

3.3 Đảng cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị:

Hệ thống chính trị của mỗi nước đều có các Đảng chính trị và các tổ chức xã hội hoạt động, nhưng thường có một chính đảng cầm quyền, giữ vai trò lãnh đạo. Hệ thống chính trị nước ta chỉ tồn tại một chính đảng, đó là Đảng cộng sản Việt Nam – lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội. Đây là điều khác biệt với hệ thống chính trị của nhiều nước trên thế giới, nơi tồn tại chế độ đa đảng.Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của hệ thống chính trị, là hạt nhân bảo đảm sự thống nhất của hệ thống đó. Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử do:

– Đảng cộng sản là lực lượng chính trị tiên tiến nhất được vũ trang bằng lý luận khoa học của chủ nghĩa Mac – LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với những tri thức khoa học đó, Đảng đề ra những đường lối, chính sách phát triển xã hội phù hợp với quy luật và có đầy đủ khả năng để tổ chức thực hiện thành công đường lối, chính sách đó.

READ:  Hệ thống khoa học pháp lý - PLĐC

– Bằng thực tiễn đấu tranh kiên cường, với những hy sinh và cống hiến lớn laocho dân tộc, Đảng đã củng cố được lòng tin của tuyệt đại đa số nhân dân. Do đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị có cơ sở vững chắc về tình cảm và tinh thần mà các tổ chức khác không thể nào có được.

– Là một chính đảng kiên trì đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, Đảng cộng sản Việt Nam đã có uy tín quốc tế lớn và được sự đoàn kết, giúp đỡ của các quốc gia và dân tộc trên thế giới.

3.4 Các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị:

Các tổ chức chính trị xã hội như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam , Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức tập hợp rộng rãi những thành viên trên cơ sở có sự đồng nhất về những phương tiện nhất định, có vai trò quan trọng trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục các thành viên của tổ chức mình xây dựng và bảo vệ tổ quốc.