Dưới tác động của toàn cầu hóa, cùng với những thay đổi mang tính cách mạng trong khoa học công nghệ, thì sự giao lưu, mức độ tác động qua lại giữa các nền văn hóa đã thay đổi về chất, đến độ, không ít học giả coi sự tương tác và giao lưu văn hóa trong thời đại ngày nay là toàn cầu hóa văn hóa.
Toàn cầu hóa văn hóa vẫn còn là vấn đề đang gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu. Bởi lẽ, có không ít người cho rằng : xu hướng của mọi quá trình toàn cầu hóa là đi đến nhất thể hóa. Nói cách khác, chỉ những quá trình nào dẫn đến sự kiến tạo nên các hệ chuẩn mực chung cho toàn nhân loại thì mới được gọi là toàn cầu hóa. Và một khi toàn cầu hóa được hiểu như vậy thì sẽ không thể có toàn cầu hóa văn hóa. Vì rằng, thế giới trong đó chúng ta đang sống là một di sản văn hóa đặc biệt, ràng buộc chúng ta với tổ tiên và con cháu chúng ta, và phân biệt chúng ta với các thành viên của nền văn hóa khác.
Tuy nhiên, nhiều học giả lại có quan điểm khác. Theo đó, toàn cầu hóa chỉ đơn giản là quá trình mở rộng phạm vi giao tiếp và trao đổi giữa người với người đạt đến cấp độ toàn thế giới. Với quan niệm này thì toàn cầu hóa là khái niệm hoàn toàn co thể chấp nhận được và có thể hiểu như sau: “ Toàn cầu hóa văn hóa phản ánh không chỉ xu hướng nhất thể hóa các chuẩn giá trị mà còn bao hàm tất cả những hậu quả khả dĩ do giao lưu và tương tác văn hóa đem lại, cụ thể như: sự dung nạp lẫn nhau giữa các yếu tố của các nền văn hóa khác nhau để hình thành nên hệ giá trị chuẩn chung cho toàn nhân loại; sự va chạm và đụng độ giữa các nền văn hóa ở cấp độ toàn cầu; xu hướng bài ngoại, chủ nghĩa biệt lập văn hóa…”