Bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở biển Đông?

Việt Nam chúng ta có những hoạt động thực thi như thế nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở biển Đông?
– Lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chúng ta đã chủ động tích cực triển khai đồng bộ một loạt công tác nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta trên biển Đông, cụ thể:

1. Ban hành chiến lược biển đến năm 2020:

Chiến lược Biển Việt Nam thể hiện rõ quan điểm hợp tác quốc tế về biển, góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Hợp tác quốc tế về biển phải nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, khai thác biển có hiệu quả và phát triển bền vững biển; trong đó chú ý bảo đảm an ninh chung và giải quyết những tranh chấp trên biển.

2. Về pháp lý:

Chúng ta đã xây dựng và trình Liên Hợp quốc báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực phía Bắc, đồng thời phối hợp với Malayxia xây dựng và trình Liên Hợp quốc báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa phía nam. Năm 2003, ban hành Luật Biên giới quốc gia, năm 2012, ban hành Luật Biển Việt Nam.

3. Về quản lý hành chính:

Đã triển khai thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng; huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa; trong đó có thị trấn Trường Sa và 2 xã Song Tử Tây, Sinh Tồn; hiện có nhiều hộ gia đình sống; xây dựng nhà khách, nhà tưởng niệm Bác Hồ, dựng tượng Quốc công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, xây dựng chùa…; triển khai một số dự án quan trọng như nuôi trồng hải sản, chương trình năng lượng sạch và hệ thống chiếu sáng ở các đảo trên huyện đảo Trường Sa; đã phủ sóng truyền hình, đài phát thanh, điện thoại di động lên toàn bộ biển Đông. Nhiều đoàn trong cả nước thường xuyên ra thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, làm việc trên quần đảo Trường Sa.

READ:  Đặc điểm của quá trình đô thị hóa và ảnh hưởng của đô thị hóa đến phát triển kinh tế xã hội nước ta - Địa lý

4. Về kinh tế:

Các hoạt động về thăm dò, khai thác dầu khí của chúng ta đã và đang diễn ra bình thường, chúng ta đang tiếp tục duy trì hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, Mỹ, Canada, Úc, Ấn độ, Nhật, Hàn Quốc trên vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa… Các ngành chức năng và các địa phương cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên biển. Ngư dân ta tiếp tục đánh bắt hải sản ở khu vực đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sản lượng khai thác của khối tàu cá xa bờ chiếm 40% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước.

5. Về quốc phòng, an ninh:

Thành lập lực lượng Cảnh sát Biển, Vùng II Hải quân… Hải quân, không quân thường xuyên được nâng cao năng lực phòng thủ và tăng cường hoạt động tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Các lực lượng tuần tra, kiểm soát của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển thường xuyên triển khai các công việc để quản lý các hoạt động trên biển, xua đuổi, xử lý hành chính các vụ việc tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển của chúng ta.

READ:  Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng ở biển đông và các đảo, quần đảo

6. Về ngoại giao:

Chúng ta kiên trì đấu tranh có lý, có tình ở các cấp khác nhau, song phương và đa phương, qua cả kênh chính thức và không chính thức; kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh dư luận và vận động quốc tế. Chúng ta đã chủ động vận động qua nhiều kênh, nhiều cấp khác nhau, kể cả cấp cao, làm rõ lập trường đúng đắn của chúng ta; phê phán yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, ủng hộ thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC: Declaration on Conduct of the Parties in the East Sea), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC: Code of Conduct for the East Sea) nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông… Tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng Quốc tế, tạo thêm sức mạnh cho ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.