Không được chấm điểm đối với nội dung “Không để xảy ra trọng án trên địa bàn cấp xã”?

Trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã V, tôi phát hiện trong năm đánh giá trên địa bàn xã để xảy ra một vụ án giết người. Tuy nhiên, cả nạn nhân và người gây án lại cùng cư trú ở xã N (xã này cũng đang đánh giá, đề nghị xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật). Xin hỏi, trong trường hợp này, xã V hay xã N không được chấm điểm đối với nội dung “Không để xảy ra trọng án trên địa bàn cấp xã”?

Trả lời:

Căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân, vụ án giết người xảy ra trên địa bàn xã V trong trường hợp nêu trên được xác định là “trọng án” (tham khảo Câu số 3 tại Tài liệu này).

Theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP, trường hợp của xã V và xã N được vận dụng, giải quyết như sau:

– Đối với xã V: Nếu có đủ cơ sở căn cứ để xác định vụ án giết người đó xảy ra trên địa bàn xã thì căn cứ vào quy định tại chỉ tiêu 2 tiêu chí 1 Phụ lục kèm theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP để kiểm tra kết quả tự đánh giá, chấm điểm của xã có chính xác, đúng với quy định hay không làm căn cứ để xác định điểm số cụ thể của tiêu chí

READ:  Đề nghị hướng dẫn thêm cách xác định kết quả khiếu nại, tố cáo kéo dài?

– Đối với xã N: Do người gây án cư trú tại địa bàn xã, nên cũng có liên quan đến kết quả tự đánh giá và chấm điểm. Nội dung 3 hoặc nội dung 4 của Chỉ tiêu 2 thuộc Tiêu chí 1 cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: i) Địa bàn để xảy ra tội phạm, tệ nạn xã hội (gắn với địa giới hành chính của cấp xã); ii) Chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng quản lý của cấp xã (gắn với trách nhiệm quản lý dân cư), mà với trường hợp trên đối tượng phạm tội chịu sự quản lý về cư trú của xã N.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên, việc xảy ra trọng án đều ảnh hưởng đến kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cả xã V và xã N. Mặc dù địa điểm xảy ra tội phạm và chủ thể của tội phạm không cùng trên một địa bàn nhưng qua đó đã phản ánh tình hình đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quản lý công dân của các xã. Vì vậy, khi đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật, xã V sẽ không được điểm tối đa nội dung 2 của Chỉ tiêu 2, còn xã N sẽ bị ảnh hưởng tới kết quả chấm điểm tại nội dung 3 hoặc nội dung 4 của Chỉ tiêu này.