Thủ tục khai sinh cho con trong trường hợp mang thai hộ được pháp luật quy định như thế nào?

Vợ chồng chị A mới đón đứa con chào đời bằng phương pháp nhờ người mang thai hộ. Tuy nhiên, khi chuẩn bị làm thủ tục khai sinh cho con, người mang thai hộ yêu cầu phải ghi tên mình vào phần thông tin người mẹ trong giấy khai sinh với lý do chính người đó mới sinh ra cháu bé, vợ chồng chị A không đồng ý. Vậy, thủ tục khai sinh cho con trong trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 16 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch (Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh) và văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ. Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

Như vậy, đối chiếu với trường hợp trên, phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh phải là tên của vợ chồng chị A mới đúng quy định pháp luật.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức Tư pháp – Hộ tịch ghi nội dung khai sinh (gồm: (1) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; (2) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú và (3) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh) vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

READ:  Diện tích và trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo tiêu chuẩn được quy định như thế nào?

Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

– Thông tin của người được đăng ký khai sinh (Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch);  Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh (Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú) và Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh, trong đó:

– Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

– Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

– Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP;

READ:  Tôi mới được tuyển dụng vào làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã

– Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại điểm 1 nêu trên.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

– Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Công chức Tư pháp – Hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.