Trình bày nhu cầu tiêu dùng của xã hội, các nhân tố ảnh hưởng, phương pháp tính toán và dự báo

[toc]

Khái niệm

Nhu cầu tiêu dùng là một bộ phận cấu thành quan trọng của nhu cầu thị trường, nó chỉ nhu cầu có khả năng thanh toán về hàng hoá và dịch vụ của dân cư, doanh nghiệp và chính phủ (C+I+G).

Các nhân tố ảnh hưởng nhu cầu tiêu dùng gồm có:

+ Mức thu nhập của người tiêu dùng: Ảnh hưởng của thu nhập lên tiêu dùng có thể phản ánh qua hệ số co dãn theo thu nhập. Độ co dãn của nhu cầu tiêu dùng theo thu nhập được quyết định bởi tính cần thiết của hàng hoá và dịch vụ. Hàng tiêu dùng càng cần thiết, độ co dãn càng nhỏ và ngược lại, những hàng tiêu dùng lâu bền, cao cấp, có độ co dãn thu nhập lớn.

+ Tỷ suất lợi tức tiền gửi: Tỷ suất lợi tức điều tiết tỷ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng và tiết kiệm. Khi tỷ suất lợi tức càng cao, chi phí cơ hội của chi cho tiêu dùng càng lớn, vì vậy khuynh hướng tiêu dùng trung bình càng giảm, dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng.

+ Giá cả của hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ: Giá cả tăng thì nhu cầu tiêu dùng giảm và ngược lại.

+ Mức độ đầy đủ hay thiếu thốn của hàng hoá và dịch vụ: Khi hàng hoá quá khan hiếm, lòng tin của người tiêu dùng bị dao động, sẽ xuất hiện hiện tượng cướp mua. Trường hợp này quan hệ giữa thiếu hàng hoá và nhu cầu thực tế sẽ là thuận chiều.

+ Trình độ văn hoá, tâm lý và thói quen tiêu dùng: Ngoài ra nhu cầu tiêu dùng còn bị ảnh hưởng của các yếu tố: Dân tộc, tập quán, thói quen, tuổi tác, giới tính, trình độ được giáo dục và sở thích, tình cảm, quan niệm về giá trị…

READ:  Nêu ý nghĩa của tháp nhu cầu Maslow trong dự báo cầu

Phương pháp tính toán:

Nhu cầu tiêu dùng = Nhu cầu tiêu dùng dân cư + Nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp + nhu cầu tiêu dùng của chính phủ
= Thu nhập dân cư có quyền chi *(1- xu hướng tiết kiệm) + Lọi nhuận để lại của doanh nghiệp * Tỷ trọng có tiêu dùng + Tổng chi của chính phủ * Tỷ trọng chi thường xuyên

Dự báo nhu cầu tiêu dùng:

– Phương pháp ngoại suy xu thế:

Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở các số liệu thống kê về tiêu dùng của hộ gia đình trong quá khứ. Điều kiện thực hiện phương pháp là xu hướng tiêu dùng dân cư tương đối ổn định theo thời gian. Để ước lượng xu thế tiêu dùng cần phân tích chuỗi thời gian. Tùy vào chuỗi thời gian mà đưa ra xu thế tuyến tính, bậc 2, 3 hay hàm mũ thích hợp để dự báo.

– Phương pháp mô hình nhân tố:

Sử dụng phương pháp này cần giải quyết 3 vấn đề cơ bản:

+ Thứ nhất là xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng dân cư đang xem xét. Các nhân tố có thể kể đến như thu nhập, giá cả và chỉ số giá cả, lãi suất, mức cung tiền, dân số, đặc điểm tự nhiên, thị hiếu và thói quen tiêu dùng…

+ Thứ hai, thu thập số liệu thống kê phản ánh thực tế tiêu dùng và các nhân tố ảnh hưởng đến tiêu dùng trong thời kỳ lịch sử. Các số liệu thống kê cần đảm bảo đồng nhất về nội dung kinh tế và có thể so sánh được.

Ngoài số liệu thống kê phản ánh động thái của các biến số trong mô hình cần thu thập thêm các thông tin, số liệu khác có liên quan để nhận biết xu hướng biến động của các nhân tố ảnh hưởng trong tương lai cũng như củng cố các kết quả dự báo từ mô hình.

READ:  Trình bày các yếu tốc tăng trưởng kinh tế?

+ Thứ ba, việc lựa chọn dạng mô hình phù hợp biểu diễn mối quan hệ giữa biến tiêu dùng dân cư và các biến nhân tố là rất cần thiết, có tính quyết định đến chất lượng và độ tin cậy của dự báo.

– Phương pháp định mức có điều chỉnh

Logic của phương pháp này được hiểu khá đơn giản: Trên cơ sở các định mức tiêu dùng thực tế đã được hình thành, bằng các phương pháp dự báo thông thường ( ngoại suy xu thế, phương pháp chuyên gia…) người ta có thể ước lượng được các định mức tiêu dùng trong tương lai. Các định mức tiêu dùng này được gọi là định mức tiêu dùng có điều chỉnh. Sử dụng các định mức tiêu dùng đã điều chỉnh kết hợp với số đối tượng tiêu dùng dự báo trong tương lai sẽ cho kết quả dự báo nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể:

Nhu cầu tiêu dùng = Định mức tiêu dùng đã điều chỉnh x Số đơn vị tiêu dùng dự báo.

Đây là một phương pháp đơn giản, dễ tiến hành và không đòi hỏi có các kỹ thuật phức tạp, nhưng lại cho kết quả đáng tin cậy và đạt được độ chi tiết theo yêu cầu của công tác quản lý.